Bảo vệ đê biển Tây
Công nhân xây dựng, gia cố kè đê biển Tây đang làm việc hết công suất để công trình sớm đưa vào sử dụng nhằm bảo vệ sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân
Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển hơn 254 km, được đánh giá là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Biển đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Tuy nhiên, biển cũng đặt người dân sống trong cảnh "đứng ngồi không yên" do tình trạng sạt lở đê biển diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường.
Báo động sạt lở
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển và bờ sông tại Cà Mau diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Theo UBND tỉnh Cà Mau, chiều dài bờ biển trên địa bàn bị sạt lở là 188/254 km, mất 5.250 ha diện tích đất rừng ven biển trong 10 năm (2011-2021). Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ sông cũng báo động khi hàng trăm căn nhà, nhiều km đường giao thông bị nuốt chửng, ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.100 tỉ đồng.
Công nhân đang khẩn trương xây dựng, gia cố kè bảo vệ đê biển Tây ở Cà Mau
Với sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, Cà Mau đã xây dựng và hoàn thành được 56,7 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí trên 1.848 tỉ đồng. Những công trình được đầu tư bước đầu đã phát huy được hiệu quả tích cực như: làm giảm sóng, chống sạt lở, tạo bãi bồi và khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
Địa phương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 31,2 km kè đê biển tại những đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, trước tình trạng sạt lở phức tạp như hiện nay sẽ có nhiều hơn diện tích rừng bị mất đi nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời trong thời gian tới. Bởi lẽ, sạt lở lấn sâu vào trong, không những gây mất đất, mất rừng mà còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong phòng chống sạt lở nhưng với nguồn kinh phí có hạn nên Cà Mau cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Từ đó, tỉnh nằm ở vùng cực Nam của Tổ quốc đã kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển và bờ sông; hỗ trợ vốn để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè đê biển tại những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.
"Thuận thiên" trong chống sạt lở
Những năm gần đây, vào mùa mưa, nhiều lần đê biển Tây bị uy hiếp do sạt lở ăn sâu vào chân đê mỗi khi gặp sóng to, gió lớn. Ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng cùng hàng trăm phương tiện để hộ đê nhằm bảo đảm an toàn cuộc sống và sản xuất của hàng chục ngàn hộ dân bên trong bờ đê.
Những ngày này, tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có hàng chục công nhân đang ngày đêm gia cố kè bảo vệ đê biển Tây, nhằm hạn chế tình trạng sóng đánh tràn qua kè, tác động đến chân đê. Ông Nguyễn Văn Tuyển, một công nhân ở xã Khánh Bình Tây, cho biết việc thi công kè đê biển gặp nhiều khó khăn do phải đợi nước ròng và ít sóng. "Có những lúc bảo đảm điều kiện thi công rơi vào ban đêm nhưng chúng tôi vẫn làm để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người" - ông Tuyển tâm sự.
Tiếp lời ông Tuyển, lão nông Đỗ Viết Thảo (ngụ xã Khánh Bình Tây) cho hay ông và nhiều hộ dân lân cận phải sống trong cảnh hồi hộp mỗi khi mùa mưa bão đến gần. Những khi đê biển bị uy hiếp, người dân nơi đây luôn chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng để hộ đê.
"Nhìn những đợt sóng cao đánh qua kè bảo vệ đê mà lòng tôi không yên. Bởi không may đê gặp sự cố thì toàn bộ nhà cửa, lúa và rau màu của chúng tôi sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước. Hy vọng Cà Mau có thêm nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống kè bảo vệ đê biển Tây cho nhân dân được yên tâm sản xuất" - ông Thảo bộc bạch.
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định vùng bán đảo Cà Mau là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trước thực trạng trên, trung ương đã hỗ trợ đầu tư hạ tầng đê biển nhằm giảm thiểu tác động, thiệt hại do sạt lở. "Cà Mau cần có kế hoạch, tầm nhìn dài hạn cho việc ứng phó với tình trạng sạt lở. Cụ thể, bên cạnh giải pháp "cứng" thì cần giải pháp "mềm", phi công trình, thích ứng với chủ trương "thuận thiên" của Nghị quyết 120" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Thiếu vốn để xây kè chống sạt lở
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết tuyến đê biển Đông đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 52,4 km. Trong đó, 15 km đê biển có nguy cơ sạt lở do không còn sự bảo vệ của đai rừng phòng hộ. Địa phương đang thiếu nguồn vốn để xây dựng kè chống sạt lở.
Trước đó, tuyến đê biển Đông đi qua địa bàn TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 46 m. Những đoạn sạt lở móc sâu vào chân đê, gây nguy cơ vỡ đê, đe dọa trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Ngay lập tức, lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu đã trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình, động viên và chỉ đạo các lực lượng khẩn trương hộ đê để người dân yên tâm lao động sản xuất.