Nhiều lao động lớn tuổi đối diện với nguy cơ mất việc
Ngoài 50 tuổi, nhiều công nhân ám ảnh với nỗi lo không đủ sức khỏe làm việc hoặc nằm trong danh sách sa thải của công ty. Họ mong muốn được hỗ trợ việc làm để tiếp tục có thu nhập, hay đơn giản là cố đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội còn thiếu để được về hưu.
Đối tượng dễ bị sa thải
Anh Nguyễn Văn Chinh (47 tuổi), một công nhân tại Nam Định cho biết, cuối năm 2022, công ty đã không tái kí hợp đồng với gần 300 công nhân trong độ tuổi từ 55 đến 60. Những lao động từ 50 đến 55 có tay nghề yếu cũng nằm trong danh sách mất việc.
Đối với công nhân, bước qua tuổi 50, tay chân bắt đầu chậm dần, mắt cũng không còn sáng như trước. Khi làm việc rất dễ nhầm lẫn, sai sót ảnh hưởng đến năng suất, hàng hóa cũng như tính mạng bản thân. Theo nam công nhân, công việc anh đang làm sẽ bị đào thải sớm.
Đồng tình với ý kiến trên, chị Nguyễn Thị Toan (48 tuổi) - nữ công nhân giày da ở Nam Định cho biết, rất hiếm người lao động lớn tuổi được công ty giữ lại trừ khi họ giữ chức vụ quan trọng hoặc có năng lực tốt.
Với những công nhân lớn tuổi, công ty sẽ xem xét hiệu quả làm việc năm gần nhất. Nếu hiệu quả đi xuống sẽ không tái ký hợp đồng khi hết hạn. Nếu là hợp đồng vô thời hạn, công ty sẽ dựa vào lỗi mắc phải không quá lớn để cho công nhân nghỉ.
“Quá trình làm việc ai mà không mắc lỗi. Lúc công ty ít việc thì khả năng cao công nhân lớn tuổi sẽ bị đào thải hết” - chị Toan nói.
Mong muốn được hỗ trợ việc làm
Chia sẻ về việc nếu bị ép thôi việc hoặc không đủ sức khỏe làm việc, anh Chinh mong muốn được tổ chức công đoàn, cơ quan chức năng Nhà nước hỗ trợ việc làm. Khi đó, lao động lớn tuổi mới có thêm thu nhập trang trải cuộc sống cũng như cố gắng thu hẹp khoảng cách với con số 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Nếu làm đến năm 62 tuổi, anh đã có thể hoàn thành 18 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ cần đóng thêm 2 năm bảo hiểm xã hội tự nguyện nữa là đủ điều kiện hưởng lương hưu.
“Hiện tại tôi mới đóng bảo hiểm xã hội được hai năm, nếu mất việc khi ngoài 50 tuổi khả năng cao phải rút bảo hiểm xã hội một lần để có đồng chi tiêu” - anh Chinh nói.
Khi được hỏi sẽ làm gì khi bị mất việc, chị Toan tâm sự: “Mất việc đồng nghĩa mất thu nhập, lúc đó rút bảo hiểm xã hội một lần chính là cách hữu hiệu để đảm bảo cuộc sống. Tìm việc lúc ngoài 50 tuổi khó lắm, gần như chẳng công ty nào nhận nữa”.
Hiện tại, chị Toan đang đi làm, đóng bảo hiểm xã hội được gần 7 năm, nhưng sức khỏe đã khá yếu, đau đầu, đau vai thường xuyên.
Nữ công nhân cho biết, sẽ cố gắng làm thêm vài năm nữa, nếu sức khỏe không cho phép thì xin nghỉ để chuyển công việc khác.
Công việc phù hợp sau khi không thể gắn bó với nhà máy trong suy nghĩ của chị Toan là không quá vất vả hoặc yêu cầu cao về sức khỏe như thời trẻ.
Bên cạnh đó, công việc cũng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định dù mức đóng thấp.
Như vậy, chị Toan sẽ đỡ buồn chán khi nghỉ việc sớm, tránh rút bảo hiểm xã hội một lần, an tâm làm đủ 20 năm, về già có lương hưu đỡ làm phiền con cái.