A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành viên NATO đầu tiên đệ đơn gia nhập BRICS

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO đầu tiên đệ đơn gia nhập khối BRICS do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Thành viên NATO đầu tiên đệ đơn gia nhập BRICS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10 tại Nam Phi năm 2018. Ảnh chụp màn hình

Ngày 2.9, Bloomberg đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đề nghị gia nhập nhóm các quốc gia thị trường mới nổi vì muốn mở rộng tầm nhìn ra ngoài các đồng minh phương Tây truyền thống.

Một cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói với Newsweek rằng động thái này được thúc đẩy bởi "sự thất vọng tích tụ" của Ankara với phương Tây và Liên minh châu Âu (EU).

"Đây không phải là chiến lược của Ankara nhằm thay thế phương Tây, mà là chiến lược nhằm tăng cường quan hệ với các cường quốc không phải phương Tây vào thời điểm bá quyền của Mỹ đang suy yếu" - ông Sinan Ülgen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu EDAM tại Istanbul, cho biết.

BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Ethiopia, Ai Cập và Saudi Arabia. Khối này được coi là một giải pháp thay thế trên trường quốc tế cho nhóm G7 do Mỹ đứng đầu.

Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, Bloomberg cho hay chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tin rằng "trọng tâm địa chính trị" đang dịch chuyển khỏi các nền kinh tế phát triển nhất.

Động thái này cũng cho thấy mục tiêu của Ankara là "vun đắp mối quan hệ với mọi bên trong một thế giới đa cực" trong khi vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên chủ chốt của NATO, Bloomberg viết thêm.

Theo Bloomberg, Ankara đã nộp đơn xin gia nhập cách đây nhiều tháng trong bối cảnh thất vọng vì nỗ lực gia nhập EU bị đình trệ. Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm tư cách thành viên EU trong nhiều thập kỷ.

Theo ông Ülgen, mối quan hệ song phương với Mỹ cũng có vấn đề. Những sự thất vọng đó đã thúc đẩy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo hướng gia nhập BRICS. Ankara tin họ có thể làm được điều này "mà không phải trả giá về mặt chính trị".

Động thái ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập BRICS diễn ra trong bối cảnh nước này có sự rạn nứt với các thành viên NATO khác, một phần là do mối quan hệ chặt chẽ của Ankara với Mátxcơva.

Ông Ülgen cho rằng, vì BRICS không mang tính ràng buộc về an ninh nên việc gia nhập khối này sẽ không ảnh hưởng đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. "Đây chủ yếu là một tổ chức kinh tế nên có khả năng ảnh hưởng đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU nhiều hơn là với NATO", ông Ülgen nói thêm.

Vào tháng 6, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2012 và ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị cũng như các quan chức khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đang có chuyến thăm đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 6 năm 2024. Ảnh: Xinhua

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ngày 4.6.2024. Ảnh: Xinhua

Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh BRICS trước đây. Vào tháng 6, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hoan nghênh triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gia nhập và tư cách thành viên của nước này sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo tại thành phố Kazan của Nga từ ngày 22 - 24.10.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết