Tiềm năng để trở thành phim trường ở Đông Nam Á
Thái Lan đang nổi lên là quốc gia có được nguồn thu lớn nhờ vào việc mở cửa, hỗ trợ chính sách ưu đãi để các đoàn phim quốc tế đến thuê bối cảnh, nhân công, cùng các dịch vụ sản xuất phim ảnh.
Nhìn từ thành công của Thái Lan
Thái Lan là quốc gia đang cho thấy sự năng động, nhạy bén với công nghiệp văn hóa và công nghiệp biểu diễn. Quốc gia này đang trở thành phim trường nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Năm 2023, Thái Lan thu 6,75 tỉ baht (khoảng hơn 190 triệu USD) khi có tới 466 tác phẩm điện ảnh từ 40 quốc gia trên thế giới đến đây quay. Đến năm 2024, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đặt kỳ vọng có thể đạt 7,5 tỉ baht (hơn 200 triệu USD) từ hoạt động sản xuất phim của các công ty nước ngoài tại Thái.
Những đoàn phim từ Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ đang đổ về Thái Lan để thuê bối cảnh, nhân công sản xuất và hệ thống công nghệ kỹ thuật ở quốc gia này cho việc làm phim. Cộng thêm đó là sự hỗ trợ từ chính phủ từ việc giảm thuế, giảm giá thuê bối cảnh đến những kế hoạch, chiến lược kêu gọi các đoàn phim quốc tế đến quay đã giúp Thái Lan trở thành điểm đến lý tưởng của hàng trăm đoàn phim từ khắp nơi trên thế giới.
Những đoàn làm phim nước ngoài tới Thái Lan không chỉ giúp quốc gia này có doanh thu “khủng”, tạo việc làm cho nhân công, chuyên nghiệp hóa công nghiệp điện ảnh, còn giúp lan tỏa hình ảnh, văn hóa Thái Lan, giúp quảng bá du lịch rộng khắp cho quốc gia này.
Việt Nam cần gì?
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam cũng đón nhiều đoàn phim quốc tế đến quay tại nhiều bối cảnh. Gần nhất, câu chuyện về những cảnh quay “phi thường” ở hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) trong tập 6 có tên "Extreme" của bộ phim tài liệu "Planet Earth III" do đài BBC (Anh) sản xuất đã khiến khán giả nức lòng.
Khi phim nhận được 2 đề cử giải Emmy, khán giả Việt đã “truy tìm” những trích đoạn cảnh quay mãn nhãn ở tập 6 “Extreme” để xem. Thế giới hang động của Quảng Bình trong những thước phim tài liệu của Anh hiện lên vừa kỳ bí vừa lộng lẫy đến khó tin.
Trước đó, năm 2017, khi bom tấn “Kong: Skull Island” khuynh đảo phòng vé, quảng bá cảnh đẹp Việt Nam từ Quảng Bình, Quảng Ninh đến Ninh Bình ra khắp thế giới, điện ảnh Việt cùng giới chuyên gia đã bàn đi bàn lại nhiều lần, cách thức quảng bá du lịch qua điện ảnh, đồng thời, kêu gọi các đoàn phim quốc tế đến Việt Nam quay phim.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về chủ đề này, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói: “Việt Nam không thiếu cảnh đẹp, chúng ta có tài nguyên thiên nhiên rất lớn, thế nhưng để thu hút được các đoàn phim quốc tế đến đây cần rất nhiều yếu tố. Điều chúng ta đang thiếu nhất là nhân công, nhân sự chuyên nghiệp ở nhiều khâu trong hệ thống sản xuất phim. Nhiều đoàn phim Việt Nam đã sang Thái Lan thuê nhân công, công nghệ của họ để làm hậu kỳ (âm thanh, ánh sáng...) và thực sự... choáng ngợp. Thái Lan có hệ thống công nghệ kỹ thuật, máy móc vô cùng hiện đại, cộng với đó là nhân công chất lượng cao ở tất cả các khâu của ngành công nghiệp điện ảnh. Chúng ta còn phải chuẩn bị rất nhiều để có được sức hút như Thái Lan”.
Theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, nếu có kế hoạch trở thành phim trường ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, trước nhất, chúng ta phải có chiến lược đào tạo nhân công, nhân sự chất lượng cao, quy chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp điện ảnh, từ quay phim, ánh sáng, dàn dựng bối cảnh, hậu kỳ đến... diễn viên quần chúng. Cùng với đó là sự đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, từ cấp phép đến các mức thuế, giá thuê đều cần sự bài bản, để có sức cạnh tranh với các quốc gia khác. Riêng với những bộ phim quay tại khu hang động, di sản thiên nhiên còn đặc biệt cần lưu ý để công tác bảo tồn, gìn giữ, đặt ra những yêu cầu cụ thể với các đoàn phim quốc tế đến đây quay.