A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp hàng không: Cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời để hàng không Việt Nam bứt tốc

Những khó khăn về thiếu hụt máy bay, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng,.. vẫn hiện hữu trong năm 2025. Do vậy cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để ngành hàng không Việt Nam bứt tốc trong thời gian tới.

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không trong thời gian tới được dự báo ở mức bình quân 5 - 6%/năm (tương đương mức tăng trưởng GDP và thu nhập/người).

Đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam đạt khoảng 150 triệu khách, xấp xỉ 1,9 lần so với quy mô năm 2019 và đạt 200 triệu khách vào năm 2040, tăng 2,4 lần.

Dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2025 vừa qua, tổng sản lượng vận chuyển hành khách toàn thị trường đạt 2,5 triệu hành khách (tăng 17,8%). Trong đó vận chuyển hành khách quốc tế đạt 1,35 triệu khách (tăng 23%); vận chuyển hành khách nội địa đạt 1,14 triệu khách (tăng 12% so với cùng kỳ 2024).

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa đánh giá, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhưng sức mua tại thị trường nội địa có suy yếu.

Các yếu tố vĩ mô và chi phí đầu vào có nhiều diễn biến bất lợi như xung đột chính trị trên thế giới; giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao, các đồng tiền quan trọng có biến động mạnh; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và vấn đề triệu hồi động cơ khiến giá thuê máy bay, vật tư phụ tùng và chi phí sửa chữa bảo dưỡng tăng cao.

Cho rằng môi trường kinh doanh năm 2025 tiếp tục có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, theo ông Hòa, các khó khăn của năm 2024 vẫn còn và chưa có nhiều tín hiệu cải thiện như tình hình chính trị trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, yếu tố đầu vào như tỷ giá và giá nhiên liệu ở mức cao, khó khăn về động cơ và phụ tùng vật tư.

doanh nghiep hang khong can nhung giai phap ho tro kip thoi de hang khong viet nam but toc hinh 1

Khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025. Ảnh: TL.

Vietnam Airlines sẽ tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn lực, đặc biệt là tăng hiệu suất sử dụng đội tàu bay 5% so với 2024, phấn đấu tăng năng suất lao động trên 7%. Tổng số chuyến bay đạt 156.000 chuyến, số khách vận chuyển đạt trên 25 triệu khách và hàng hóa vận chuyển đạt 336.300 tấn.

Điều chỉnh sản phẩm trên cơ sở mục tiêu đảm bảo thị phần, hiệu quả, cân đối các vấn đề nguồn lực máy bay và lượt hạ, cất cánh. Tiếp tục mở các đường bay mới để đa dạng hóa sản phẩm.

Doanh thu công ty mẹ ước đạt trên 95.600 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ và Tổng công ty đặt mục tiêu có hiệu quả vượt mức so 2024 và so với kế hoạch 5 năm đã báo cáo tại đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu, Vietnam Airlines kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng không trong sự kết nối với các ngành khác như du lịch, khách sạn, dịch vụ, giao thông đường bộ.

Đi kèm với các chương trình phát triển năng lực cạnh tranh quốc gia cũng cần được xây dựng để xây dựng ngành hàng không trở thành mũi nhọn, kết nối với các ngành khác.

Tiếp tục nới lỏng hơn nữa các chính sách về xuất nhập cảnh, theo đó, bổ sung các nước được miễn thị thực nhập cảnh, đặc biệt các thị trường lớn nhiều tiềm năng như Mỹ, Australia, Ấn Độ,…

Vietjet cũng đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi mức lãi ròng trong năm 2025, trên cơ sở đẩy mạnh mở rộng các tuyến bay và dự báo lượng khách quốc tế tăng trưởng cao.

Trong khi đó, cả Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều đang lên kế hoạch tăng đội tàu bay, tiếp tục khai thác trở lại mạnh mẽ hơn nữa trên các đường bay nội địa và bầu trời quốc tế.

Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cho rằng, câu chuyện tăng trưởng hàng không và du lịch giai đoạn tới sẽ tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng sân bay. Mặc dù nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng hầu hết sân bay tại các thành phố lớn đang hoạt động quá công suất.

Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm nhưng từ 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới năm 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách.

Đặc biệt 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải. Do đó, Nhà nước cần chính sách ưu tiên cải thiện hạ tầng hàng không để không chỉ đáp ứng mà còn đi trước mở đường cho hàng không và du lịch bứt phá trong vận hội mới.

Thế Anh


Nguồn:https://www.congluan.vn/doanh-nghiep-hang-khong-can-nhung-giai-phap-ho-tro-kip-thoi-de-hang-khong-viet-nam-but-toc-post334306.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...