A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025: Biến thách thức thành động lực

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và 12 mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 25 rất thách thức, nhưng không phải không thực hiện được.

Vì sao cần điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2025 vượt 8%?

Đầu tháng 2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 25 đề ra 12 chỉ tiêu tăng trưởng nhằm tạo nền tảng tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2025-2030. Cụ thể, Nghị quyết đề ra mục tiêu xuất khẩu hàng hóa tăng 12%, thặng dư thương mại 30 tỷ USD, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%,...

Tới ngày 10/2, trong cuộc họp thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên. Mức tăng trưởng này cao hơn 1% - 1,5% so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra hồi đầu năm nay.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% và 12 mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 25 rất thách thức, nhưng không phải không thực hiện được.

muc tieu tang truong gdp 8 tro len trong nam 2025 bien thach thuc thanh dong luc hinh 1

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, với ý nghĩa quan trọng của năm 2025, Chính phủ đang rất tập trung vào tăng trưởng.

Đối với 12 mục tiêu tăng trưởng được nêu tại Nghị quyết 25, ông Sơn cho rằng, nhiều mục tiêu đã có đà tăng trưởng từ năm 2024, nhờ đó việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi.

Đơn cử như xuất nhập khẩu, trong năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đã vượt xa chỉ tiêu đề ra, nên ông Sơn cho rằng mục tiêu này rất có thể đạt được. Tuy nhiên, những chính sách thuế quan của Tổng thống Trump tập trung đánh vào những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại nhiều nhất, gồm Mexico, Canada và Trung Quốc có thể là thách thức cho mục tiêu trên.

“Việt Nam có thể vẫn sẽ là nước được hưởng lợi phần nào trong cuộc chiến thương mại bởi khi ông Trump đánh thuế, Mỹ vẫn sẽ phải nhập hàng hóa từ một khu vực khác”, ông Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, động lực tăng trưởng trong năm nay sẽ đến từ đầu tư công, trở thành mũi nhọn tăng trưởng kinh tế.

“Trong năm 2025, Việt Nam sẽ khánh thành hàng loạt con đường cao tốc. Kế hoạch đầu tư công mạnh mẽ như vậy sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

4 yếu tố có thể giúp kinh tế Việt Nam bứt phá

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, Việt Nam muốn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2025 cần phải tập trung vào 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, Việt Nam cần phải có giải pháp đột phá để hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách thể chế. Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Thứ hai, Việt Nam cần tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đó là đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như công nghệ số, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, hoặc các ngành năng lượng tái tạo,...

muc tieu tang truong gdp 8 tro len trong nam 2025 bien thach thuc thanh dong luc hinh 2

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Có thể thấy, giải ngân đầu tư công chậm đã diễn ra trong nhiều năm nay, do đó, ông Bình đề nghị phải có giải pháp đột phá cho quá trình này, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia và phải có phương án chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng.

“Điều này không chỉ giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các thị trường quốc tế mà còn tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam”, PGS.TS Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, hệ thống đại học và trường dạy nghề phải được cải cách hơn nữa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao của nền kinh tế.

Ngoài ra, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, vì vậy, diễn biến của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế trong nước năm 2025.

“Để ứng phó với sự bất ổn địa chính trị toàn cầu và xu hướng gia tăng phòng vệ thương mại cũng như chi phí vận tải tăng cao, Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất và chống lãng phí để tăng khả năng cạnh tranh”, ông Bình nhấn mạnh.

Việt Vũ


Nguồn:https://www.congluan.vn/muc-tieu-tang-truong-gdp-8-tro-len-trong-nam-2025-bien-thach-thuc-thanh-dong-luc-post334303.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...