Tận dụng công nghệ để giảm kẹt xe
Qua tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP HCM và Viện Nghiên cứu phát triển, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỉ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Rõ ràng kẹt xe đang có những tác động lớn tới sự phát triển của thành phố. Đây cũng là một trong những bài toán hóc búa mà các đô thị lớn trên thế giới luôn phải đương đầu khi mật độ dân số tại các siêu đô thị trong đà tăng cao, nhu cầu di chuyển vào giờ cao điểm của người dân càng trở nên bức thiết, việc mở rộng hệ thống hạ tầng cơ sở còn ít nhiều hạn chế.
Trong nhiều năm qua, chủ đề này đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia kỹ thuật, nhà hoạch định chính sách thảo luận với những phân tích chuyên sâu như Traffic Impact Analysis (TIA) - tập trung vào những tác động của hoạt động quy hoạch đô thị có thể gây ảnh hưởng đến lưu lượng xe di chuyển vào giờ cao điểm tại những khu vực trọng yếu. Cụ thể, việc mở rộng đô thị vệ tinh hoặc phát triển khu dân cư mới cũng góp phần giảm ùn tắc tại những khu vực trọng yếu và cửa ngõ giao thông.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng kẹt xe có thể được giải quyết bằng giải pháp liên quan đến cung và cầu. Giải pháp cung liên quan việc mở rộng các hình thức di chuyển cho người dân và mở rộng tuyến đường chính. Giải pháp cầu liên quan việc giảm số người và phương tiện di chuyển trong giờ cao điểm. Một ví dụ điển hình là việc đánh thuế cao và tăng phí di chuyển trong giờ cao điểm.
Nhìn chung, để giải quyết triệt để vấn đề kẹt xe, cần phải đưa nhu cầu sử dụng phương tiện di chuyển của người dân gần hơn với khả năng hỗ trợ hiện tại của hệ thống hạ tầng đô thị. Những phương pháp mà các quốc gia thường áp dụng là mở rộng đường sá, tăng cường hệ thống phương tiện công cộng. Một số thành phố phát triển sẽ đi theo mô hình tăng cường tối đa tần số sử dụng phương tiện công cộng tại khu vực trung tâm trong giờ cao điểm bằng những hình thức như hỗ trợ giá và điều chỉnh tuyến đường nhằm ưu tiên tốc độ di chuyển và sự tiện lợi cho người dân như tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và các thành phố lớn tại Mỹ.
Một giải pháp nữa mà các siêu đô thị đang triển khai là tăng cường quản lý chỗ đậu xe vào giờ cao điểm, thậm chí một số khu vực trung tâm cấm phương tiện cá nhân và chỉ cho phép người đi bộ vào. Các hình thức chia sẻ phương tiện di chuyển như Carpooling cũng góp phần làm giảm số lượng xe đi vào trung tâm ở những khung giờ nhất định. Các chính sách khuyến khích việc hình thành thói quen hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và đẩy mạnh những mô hình kinh doanh liên quan đến Carpooling cũng góp phần kéo giảm tình trạng kẹt xe giờ cao điểm tại các quốc gia phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều thành phố đã liên tục cải thiện hiệu quả hoạt động của mô hình quản lý lưu lượng xe lưu thông hiện tại bằng nhiều phương thức khác nhau, như tối ưu hóa lưu lượng vận chuyển bằng cách áp dụng khoa học dữ liệu, điều chỉnh thời gian bật tín hiệu giao thông tại các tuyến đường huyết mạch.
Những giải pháp này đã và đang được nghiên cứu kỹ cùng dữ liệu thực tế và thông số phức tạp, cân nhắc cả những tác động trước khi đưa vào áp dụng quy mô lớn cũng như thường xuyên đo lường hiệu quả hoạt động qua nhiều năm.
Việc quản lý lưu lượng di chuyển và khống chế tình trạng kẹt xe đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhất là trong những năm vừa qua khi nhiều nơi cho phép nhân viên linh động chọn không gian và thời gian làm việc thay vì bắt buộc phải đến văn phòng vào những khung giờ nhất định.