A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán cung - cầu lao động

Việc mất cân bằng cung - cầu lao động chủ yếu xảy ra ở những thị trường hẹp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao

Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp (DN) tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử… đều than rằng lĩnh vực của họ đang thiếu nhân lực trầm trọng. Nhiều hội thảo chuyên đề đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp cho thị trường lao động đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về lao động - việc làm, việc thừa hay thiếu lao động chỉ là vấn đề cục bộ, mang tính ngắn hạn và sẽ sớm được lấp đầy nếu DN và cơ sở đào tạo bắt tay nhau.

Cầu vượt cung

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, song tình trạng thiếu lao động cục bộ đang diễn ra tại một số lĩnh vực, địa phương, đặc biệt là dự báo sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao như lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin, logistics…

Giải bài toán cung - cầu lao động - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với các đơn vị đào tạo để chủ động nguồn nhân lực cho mình

Cũng theo đánh giá, lực lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung lao động được ghi nhận đang thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài hạn như du lịch, giáo dục...

Ông Đỗ Thanh Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho rằng việc thiếu lao động cục bộ đang diễn ra tại một số ngành hiện nay là do cầu đang vượt cung. Ông phân tích trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, các DN liên tục mở rộng sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày một lớn. Qua đó, nhu cầu về nhân sự tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động từ phổ thông đến chất lượng cao.

"Người làm không thiếu nhưng trình độ, tay nghề, kỹ năng không đáp ứng được nhu cầu của DN. Khâu dự báo thị trường lao động chưa liên kết được trên phạm vi rộng và khâu đào tạo cũng chưa sát với thị trường lao động hiện đại" - ông Vân cho biết. Còn việc thiếu lao động ở những đô thị lớn như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… là do từ trước đến nay, các địa phương này hút lao động từ những tỉnh, thành lân cận. Nay các tỉnh cũng đang phát triển về công nghiệp nên người lao động (NLĐ) có xu hướng về quê làm việc cho gần nhà, đỡ tốn chi chí thuê chỗ trọ, sinh hoạt...

Chủ động phân luồng lao động

Không chỉ lao động phổ thông mà nhân lực chất lượng cao cũng đang trong tình cảnh tương tự tại một số ngành nghề, lĩnh vực ở địa phương.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ LĐ-TB-XH, cho biết nhiều đại diện ngành nghề, các hiệp hội phản ánh đang thiếu trầm trọng lao động sau dịch COVID-19. Ông cho rằng đó chỉ là sự thiếu hụt lao động mang tính cục bộ, thời điểm và ở một số địa phương. Theo ông Dũng, sau đại dịch xuất hiện xu hướng đào tạo lại lao động. Khảo sát của Tổng cục GDNN cho thấy có đến 50% DN cho rằng cần đào tạo lại lao động.

Tuy nhiên, phần lớn DN lại khẳng định họ không đủ nguồn lực để làm việc này. Dù vậy, khi triển khai gói hỗ trợ DN nâng cao kỹ năng nghề nghiệp 4.500 tỉ đồng thì các DN không hào hứng tham gia. "Việt Nam đã có Luật GDNN quy định chính sách của nhà nước về việc hỗ trợ DN tham gia quá trình đào tạo. Nhưng thực tế, nhiều DN hiện chưa nắm được các chính sách liên quan đến GDNN" - ông Dũng nói.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng vấn đề đáng quan tâm hiện nay là số lượng DN tăng rất nhanh nhưng lao động kỹ thuật lại giảm. Nhìn nhận về việc mất cân bằng cung - cầu thời gian gần đây, ông Bình đánh giá chỉ xảy ra ở những thị trường hẹp, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Việc này là chuyện hết sức bình thường, bởi thị trường lao động trước đây giá rẻ nên dễ tuyển dụng nhưng hiện nay có tính cạnh tranh hơn.

Theo ông Bình, để phát triển thị trường lao động, đầu tiên cần chuyển đổi tư duy lao động Việt Nam từ thị trường lao động phổ thông, giá rẻ sang thị trường có lao động kỹ thuật và chuyên gia kỹ thuật chất lượng cao, giá cạnh tranh trên thế giới. Muốn làm được điều này, việc đổi mới về giáo dục đại học lẫn GDNN phải theo đúng chuẩn quốc tế.

"Ngoài ra, cần tổ chức phân luồng học sinh từ THCS vào trường nghề với cơ chế khuyến khích liên thông lên đại học trong khối nghề của họ. Việc phân luồng sẽ có một lực lượng lao động vào thị trường sớm hơn 3 năm, đây sẽ là một trong những yếu tố quyết định làm tăng lực lượng lao động" - ông Bình nêu giải pháp.

Thêm 800 tỉ đồng cho đào tạo lại lao động

Đây là kinh phí được Bộ LĐ-TB-XH sử dụng để tổ chức thí điểm đặt hàng đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ trong một số ngành nghề mới nhằm nâng cao kỹ năng cho NLĐ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ chuyển đổi số. Dự kiến thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới trình độ trung cấp và cao đẳng, với khoảng 4.800 người học; đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho ít nhất 300.000 lượt người đang làm việc tại các DN (đào tạo ngắn hạn). Việc đào tạo sẽ được nhà nước đặt hàng các trường dạy nghề. Mục tiêu chương trình là đào tạo, chuẩn bị nhân lực đón đầu ngành nghề mới, phục vụ nhu cầu của DN, duy trì việc làm cho NLĐ ở những ngành nghề chuyển đổi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...