Người rút BHXH một lần ngày càng trẻ
Theo thống kê, người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần.
Trong báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Bình quân, mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.
Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2016 – 2021 tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài nhà nước), chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần. Người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng BHXH một lần. "Điều này cho thấy, việc hưởng BHXH một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Phần nữa là do áp lực về tài chính và sự thay đổi, giãn đoạn trong công việc" – báo cáo nêu rõ.
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cho rằng ngoài những nguyên nhân nêu trên, còn có một nguyên nhân khác là tuổi nghỉ hưu quá cao. Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Thoa dẫn chứng: "Tôi năm nay 44 tuổi, đã tham gia BHXH từ năm 2004 cho đến 2022. Tổng quá trình tham gia là 16 năm. Nếu theo lộ trình tuổi nghỉ hưu của nữ thì năm tôi 58 tuổi (2037), tôi mới đủ điều kiện được nhận lương hưu. Hiện tại, tôi không thể tiếp tục tham gia BHXH và cũng không xin đi làm ở công ty được vì hạn chế tuổi ứng tuyển. Nếu tính theo số tiền lương hưu theo chế độ hiện hành của 2023, thì tôi sẽ được nhận với số tiền hưu hàng tháng là 1,4 triệu đồng. Với số tiền này, tại thời điểm 2023 thì làm được gì ạ? Trong khi với số tiền này, tính cho hệ số trượt giá, lạm phát các kiểu, thì năm 2037 tôi sẽ sinh sống như thế nào với số tiền này?". Cũng theo bạn đọc này, hiện nay luật hướng tới sửa đổi bổ sung chủ yếu cho nhóm lao động tham gia trễ, nhưng bỏ qua nhóm lao động sớm. Chưa kể trong thời gian từ năm 2023 đến 2037 sẽ thấy đổi luật như thế nào nữa đây??? Luật đặt ra để điều chỉnh lâu dài, nhưng quá trình thay đổi quyền lợi của người lao động ngày một giảm, chỉ nhìn phiến diện 1 hướng thì không hiệu quả.
Tương tự, bạn đọc Lê Thanh Tùng dẫn chứng: "Nhiều người bị mất việc mới rút BHXH 1 lần, còn tôi tự làm đơn nghỉ việc để rút 1 lần, mà làm hai lần đơn mới được nghỉ vì công ty rất cần người có tay nghề như tôi, nhưng vì sức khỏe tôi không thể tiếp tục làm việc cho đến năm 62 tuổi. Tôi đã đóng BHXH được 19 năm 7 tháng, tôi rút BHXH gửi ngân hàng còn bản thân đã tìm được một công việc phù hợp với sức khỏe. Nếu cần thiết đóng BHXH tự nguyện vẫn về hưu bình thường. Các bạn thấy tôi quyết định có đúng không?".
Liên quan đến đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, theo nhiều bạn đọc, cái người lao động cần là giảm tuổi lao động chứ không phải là tăng lên. Cũng như bài toán cho phép được nghỉ hưu nếu thỏa 1 trong 2 điều kiện thì mặc nhiên được hưởng lương hưu. 1.Đóng đủ số năm theo quy định thì sẽ được nhận lương hưu 50%. Ví dụ: hiện tại đang 20 năm thì có thể tăng lên 25 năm. 2.Hoặc đến đủ 60 tuổi sẽ được lương hưu tối thiểu 50% của 25 năm và cứ hơn 1 năm đóng sẽ được 1 tháng lương hưu và hưởng đầy đủ số năm trợ cấp thất nghiệp thì tôi nghĩ ai ai họ cũng phấn đấu để dc hưởng lương hưu cho an toàn chứ không rút 1 lần. Bạn đọc Lương Hồng Tâm đặt vấn đề: "Ai, và bao nhiêu người mà 45, 47 tuổi mới bắt đầu đi làm? Và công ty nào nhận người vào làm việc khi họ đã 45, 47 tuổi... Nhờ các vị thống kê giúp vài con số cụ thể. Việc bảo hạ năm đóng BHXH xuống 15 năm để người đi làm muộn (45,47 tuổi) được nhận lương hưu là... phi thực tế!".