Doanh nghiệp liều, người lao động gánh
Bị khấu trừ tiền lương hằng tháng nhưng người lao động bị cơ quan BHXH từ chối giải quyết quyền lợi do chủ doanh nghiệp nợ BHXH
Tại hội thảo góp ý Luật BHXH (sửa đổi) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây ở TP HCM, ông Trần Việt Hóa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau, cho hay tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp xảy ra trên địa bàn tỉnh khá phổ biến, với số tiền nợ lớn. Một số DN chây ì nợ BHXH đã bị xử phạt nhưng vẫn không khắc phục. Đến khi người lao động (NLĐ) đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không được hưởng quyền lợi khiếu nại và UBND tỉnh can thiệp, cơ quan BHXH mới giải quyết theo hướng buộc DN trích nộp đủ cho NLĐ.
Quyền lợi bị "treo"
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại tỉnh Long An. Bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, cho hay tính đến đầu tháng 3-2023, tại Long An có 83 DN nợ BHXH với số tiền hơn 63 tỉ đồng, trong đó có một số chủ DN đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
Hiện nay, ngoài ách tắc trong khởi kiện của tổ chức Công đoàn, việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ tại các DN nợ BHXH có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động, không còn tài sản cũng đang bị "treo" khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ các quy định của cơ quan BHXH. Bà Cúc dẫn chứng hơn 2 năm trước, chủ Công ty TNHH Một Thành Viên High Appraise Việt Nam bỏ trốn về nước khi đang nợ BHXH của 1.680 lao động. Phía Công đoàn đã tiếp nhận ủy quyền NLĐ khởi kiện ra tòa nhưng chưa được giải quyết và đến nay số lao động này cũng chưa được chốt sổ BHXH. Bởi theo quy định hiện hành, việc xác nhận thời gian đóng, chốt sổ BHXH và chi trả chế độ chỉ áp dụng đối với DN nợ BHXH đang trong quá trình thực hiện thủ tục phá sản, giải thể, còn các DN nợ BHXH có chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động, không còn tài sản thì không.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Long An, cho biết việc DN trừ lương NLĐ hằng tháng nhưng không trích nộp cơ quan BHXH cũng đẩy NLĐ vào khó khăn "NLĐ đóng BHXH hàng chục năm nhưng chỉ vì có một vài tháng tham gia BHXH tại DN nợ BHXH nên bị cơ quan BHXH từ chối giải quyết chế độ, điều này là không công bằng. NLĐ không thể gánh chịu hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật không do mình gây ra" - bà Trang bày tỏ. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), cho rằng hiện nay, không phải Công đoàn cơ sở nào cũng nắm được tình hình đóng BHXH của DN vì cơ quan BHXH không chia sẻ. Đến khi biết DN nợ thì không thể khởi kiện được, điều này khiến quyền thụ hưởng của NLĐ bị triệt tiêu. Đây là khoảng trống mà các nhà làm luật cần quan tâm để xây dựng biện pháp chế tài DN nợ BHXH.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM bức xúc khi bị trừ lương hằng tháng nhưng không được trích nộp BHXH
Trách nhiệm của cơ quan BHXH ở đâu?
Vấn đề quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ đề cập tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này hiện thu hút nhiều sự quan tâm. Vấn đề được nhiều cán bộ Công đoàn đặt ra là NLĐ sẽ kiện ai? Kiện người sử dụng lao động hay cơ quan BHXH?
Theo đại diện LĐLĐ các tỉnh, thành, đối tượng bị khởi kiện là cơ quan BHXH sẽ hợp lý hơn vì đây là nơi được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện thu chi BHXH; tiếp nhận, giải quyết và tổ chức chi trả chế độ đầy đủ, thuận tiện, đúng thời hạn. Tuy nhiên, cơ quan BHXH chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dẫn đến DN nợ BHXH kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi NLĐ. Do vậy, cần xem xét trách nhiệm của ngành BHXH để bảo đảm quyền thụ hưởng của NLĐ. Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Ngọc Trang đặt vấn đề: "DN nợ thuế 3 tháng thì sẽ bị cơ quan thuế kiến nghị rút giấy phép kinh doanh hoặc đình chỉ kinh doanh. Vậy tại sao cơ quan BHXH lại không có giải pháp mạnh nào tương tự? Có DN nợ BHXH hơn 2 năm nhưng chỉ đến khi NLĐ khiếu nại cơ quan BHXH mới biết. Rõ ràng cơ quan BHXH chưa làm hết trách nhiệm của mình. Do đó, khi để xảy ra nợ BHXH thì Công đoàn có quyền khởi kiện cơ quan BHXH" - bà Trang nói.
Liên quan đến việc tăng thêm chức năng khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa cho cơ quan BHXH, ông Đỗ Quang Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (tỉnh Bình Dương), cho rằng không nên đặt nặng vấn đề ai đi kiện mà phải tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng nợ BHXH từ đầu. "Thu BHXH là trách nhiệm của cơ quan BHXH nên cơ quan này phải xây dựng cơ chế thu sao cho hợp lý, bảo đảm nguồn thu không bị thất thoát và không để xảy ra tình trạng DN trốn đóng, nợ đóng BHXH. Cũng có thể nghĩ đến hướng để NLĐ tự đóng phần BHXH của mình trực tiếp cho cơ quan BHXH để tránh thất thoát" - ông Trung đề xuất.
Khơi thông quy trình khởi kiện
Theo các đại biểu, truy tố DN ra tòa là phương án tốt nhất để răn đe DN nợ BHXH kéo dài nhưng chưa thực hiện được do còn vướng mắc. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tháo gỡ, khơi thông quy trình khởi kiện, đồng thời tạo cơ chế cho việc khởi kiện tập thể để tổ chức Công đoàn thuận tiện hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ.