Bươn chải vì con
Dù cuộc sống còn bộn bề lo toan nhưng nhiều công nhân vẫn cố gắng làm thêm để có thu nhập lo cho con học hành đến nơi đến chốn
Mới đây, khi hay tin con gái được học bổng Nguyễn Đức Cảnh cấp thành phố năm 2023, chị Huỳnh Kim Thoa, công nhân (CN) Công ty TNHH TSAV Việt Nam (KCN Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP HCM), vỡ òa hạnh phúc.
Cực mấy cũng chịu được
Chồng chị Thoa là lao động tự do, ai kêu gì làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Dù đang ở trọ, 2 con đang tuổi ăn, tuổi học, chưa kể phải phụng dưỡng cha mẹ già ở quê nhưng anh chị vẫn động viên nhau làm việc. Tất cả vì tương lai các con.
Hiểu được sự vất vả của cha mẹ, nên em Thạch Ngọc Huỳnh Trân, học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM) rất chăm chỉ học, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, thành phố. Thành công của con đã an ủi phần nào cuộc sống khó khăn của vợ chồng chị Thoa. "Vợ chồng tôi học ít nên phải làm việc chân tay, thu nhập thấp. Vì thế, khi thấy con chịu khó học hành thì hạnh phúc lắm" - chị Thoa bày tỏ.
Các con chính là nguồn động lực để chị Lâm Thị Mỹ Duyên làm việc Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tan ca, chị Lê Thị Ngọc Nga (quê Đồng Nai), CN Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), chạy vội về nhà trọ thay quần áo để làm thêm. Công việc phục vụ nhà hàng vào buổi tối giúp chị Nga kiếm thêm 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Chị Nga có 2 con (học lớp 3 và 5), hiện ở quê cùng ông, bà. Mấy năm gần đây, do công việc không ổn định trong khi chi phí sinh hoạt ở thành phố ngày càng đắt đỏ nên 2 vợ chồng bấm bụng gửi con về quê.
"Điều kiện ở quê không tốt bằng thành phố nhưng được cái là các con được học hành đến nơi đến chốn, năm nào cũng đạt loại khá, giỏi. Vì tương lai các con nên hai vợ chồng tôi cố gắng làm thêm, cực mấy cũng chịu được" - chị Nga bộc bạch.
Đời mình vất vả đủ rồi
"Ngày hay tin con gái thi đậu vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cả đêm vợ chồng tôi trằn trọc không ngủ được vì quá hạnh phúc" - đó là tâm sự của chị Lâm Thị Mỹ Duyên (quê Trà Vinh).
Chị Duyên là CN Công ty TNHH 3Q Vina (quận Bình Tân), còn chồng làm thợ hồ, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 16 triệu đồng/tháng. Chị Duyên tâm sự, đời mình đã vất vả, nên chỉ mong tương lai các con tươi sáng hơn. Để có thể trụ lại thành phố trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng, hai vợ chồng phải chi tiêu dè sẻn. "Thu nhập tháng nào thì xào hết tháng đó. Nếu không thắt lưng buộc bụng thì không đủ tiền lo cho tụi nhỏ học hành, ăn uống và thi thoảng gửi về quê cho cha mẹ. Vất vả lắm nhưng con gái vào được đại học là tôi vui lắm" - chị Duyên tâm sự.
Tương tự, anh Trần Văn Liêm (quê Sóc Trăng) cũng cật lực làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Sau giờ tan ca, anh về nhà trọ ăn vội bữa cơm chiều rồi tranh thủ chở hàng thuê, chạy xe ôm. Công việc tạm bợ này giúp anh có thêm 2-3 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh Liêm đều là CN tại quận Bình Tân. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, nơi vợ chồng anh đang làm việc cũng không ngoại lệ.
Dù không nằm trong diện bị cắt giảm nhưng do công ty không tăng ca nên thu nhập của vợ chồng anh giảm. Trước đây, khi công việc ổn định, tổng thu nhập của hai vợ chồng được hơn 18 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn một nửa. "Tiền ăn, tiền trọ, tiền học cho con là vừa đủ. Sắp đến kỳ đóng học phí cho con gái lớn nên tôi phải tranh thủ kiếm thêm, tích góp dần để con không phải gián đoạn chuyện học hành" - anh Liêm nói.