Chủ động ứng phó El Nino
Ảnh hưởng hiện tượng El Nino và việc tích nước của các đập thủy điện trên thượng nguồn khiến dòng chảy về ĐBSCL rất thấp dù đã vào mùa mưa, làm giảm nhịp lũ và nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô sắp tới sẽ rất gay gắt
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục có xu hướng tăng dần, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện từ cuối tháng 5-2023.
Mùa mưa nhưng khô hạn
Bản tin dự báo diễn biến tài nguyên nước nửa cuối tháng 6-2023 của Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) cho thấy lượng mưa ở lưu vực sông này bắt đầu có xu thế tăng vào đầu mùa mưa nhưng ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Trên lưu vực sông Lan Thương - tên gọi khác của sông Mê Kông ở Trung Quốc, các hồ chứa thủy điện đã đạt khoảng 26% dung tích hữu ích và sẽ tiếp tục tích nước trong thời gian tới.
Ở hạ lưu sông Mê Kông, những trận mưa lớn đầu mùa đã xuất hiện, các hồ chứa sẽ tăng dần lượng nước tích. Mực nước các trạm thượng nguồn đang có xu thế tăng nhưng không mạnh. Theo VNMC, mực nước lớn nhất ngày tại trạm Tân Châu (An Giang) nửa cuối tháng 6 biến động chủ yếu theo thủy triều trong khoảng 1,3 - 1,6 m. Tổng lưu lượng trung bình những ngày tới qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) được nhận định sẽ biến động trong khoảng 6.900 - 14.000 m3/giây - thấp hơn năm 2022. Tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này có thể chỉ từ 10,6 tỉ đến 11,8 tỉ m3 - thấp hơn trung bình nhiều năm 5% - 15%.
Trong khi đó, trên website của dự án Mekong Dam Monitoring (MDM - chuyên theo dõi hoạt động các đập thủy điện và mực nước sông Mê Kông, thuộc Trung tâm Stimson và dự án Eyes on Earth của Mỹ), các chuyên gia nhận xét dù mùa mưa năm 2023 đã bắt đầu nhưng phần lớn vùng hạ lưu sông Mê Kông khô hạn hơn nhiều so với mức bình thường 30 năm qua. "Vào thời điểm này hằng năm, những cơn mưa theo gió mùa bắt đầu đổ xuống khắp lưu vực và nhịp lũ quen thuộc của sông Mê Kông dần tích tụ năng lượng. Song hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra" - MDM nhận định.
Mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth dự đoán tại Chiang Saen - Thái Lan, lượng nước sẽ ít hơn các năm trước 30%. Xa hơn về phía hạ lưu, mực nước sông thấp hơn khoảng 1 m so với mức bình thường vào thời điểm này hằng năm, do tích trữ tại các đập ở Trung Quốc và lượng mưa thấp trên toàn lưu vực.
Nhiều khu vực ở ĐBSCL đã chủ động tích trữ nước ngọt cho mùa khô năm 2024
Bảo đảm sản xuất và dân sinh
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cho rằng đến nay vẫn chưa rõ cường độ El Nino lần này đến mức nào. Trong tình huống El Nino mạnh thì mùa mưa ở các quốc gia lưu vực sông Mê Kông diễn ra từ tháng 6 đến tháng 11-2023 song ở ĐBSCL lại ít mưa.
Theo ông Thiện, tùy vào cường độ El Nino mà lượng mưa sẽ nhiều hay ít. Nếu El Nino năm nay cực đoan như mùa mưa năm 2015 hay 2019 thì lượng mưa cũng thấp như 2 năm đó. Và mùa khô năm 2024 nhiều khả năng lại gay gắt như mùa khô năm 2016 và 2020.
"Lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ít dẫn đến mùa lũ năm nay sẽ thấp. Lượng thủy sản tự nhiên của sông Mê Kông đổ về ĐBSCL cũng sẽ ít vì không có môi trường phù hợp để sinh sản. Ngoài ra, lượng phù sa trôi về ĐBSCL theo mùa lũ cũng ít đi, đồng bằng sẽ càng "đói" bùn cát" - ThS Thiện lo ngại.
Lũ thấp sẽ ảnh hưởng trước mắt đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, nhất là với những mô hình canh tác và sinh kế dựa vào sông nước như: nuôi cá, tôm càng xanh hay các loại hình du lịch mùa nước nổi. Năm nay thiếu lũ và phù sa sẽ ảnh hưởng đến vụ sản xuất năm sau. Sang mùa khô 2024, mối lo sẽ là hạn, mặn ở vùng ven biển...
Trước tình hình thiếu hụt nguồn nước và ảnh hưởng của El Nino, các địa phương ở ĐBSCL đã chủ động tìm cách ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, vừa ký ban hành chỉ thị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 nhằm bảo đảm sản xuất và dân sinh trên địa bàn. Sở này được giao phối hợp, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - nhất là tại những khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phát triển nông nghiệp đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường; sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.
Tại Trà Vinh, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó kịp thời nếu xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm sau. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy, trữ nước tại những khu vực chưa có công trình thủy lợi khép kín, tổ chức sản xuất đúng theo lịch thời vụ đã công bố.
Trong khi đó, để chủ động ứng phó thiên tai và ảnh hưởng của El Nino trên địa bàn Đồng Tháp thời gian tới, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các ngành, địa phương xây dựng phương án cụ thể. Các phương án này phải làm sao vừa ứng phó được các tình huống hạn hán, xâm nhập mặn vừa phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt ở địa phương…
Không "đối đầu", linh hoạt thích ứng
ThS Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh với những năm El Nino quá cực đoan thì không nên "đối đầu". Trước mắt, cách thích ứng hữu hiệu là chủ động "tránh" hạn, mặn qua việc điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất - theo kinh nghiệm của các tỉnh ven biển vào mùa khô 2020. Các cộng đồng ven biển cũng cần chủ động tích trữ nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô 2024.
Về lâu dài, ông Thiện cho rằng cần thực hiện đúng Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng công bố. Theo đó, vùng ngọt được lùi vào phía trong đất liền, còn vùng ngọt - lợ trả lại tự nhiên; canh tác theo mùa mặn - ngọt chứ không cố chống lại mặn như trước giờ nữa.