A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Biên kịch Trần Đức Tuấn, người nổi tiếng với bộ phim "Mê Kông ký sự", qua đời

Ông đã để lại cho đời nhiều bộ phim phóng sự, tư liệu giá trị, giúp cho ngành nghiên cứu văn hóa, lịch sử, địa lý lưu lại những thông tin, hình ảnh quý qua tài năng khai thác của ông.

Biên kịch Trần Đức Tuấn, người nổi tiếng với bộ phim Mê Kông ký sự qua đời - Ảnh 1.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn

Tối 2-7, hung tin lan truyền khiến giới làm phim truyền hình đau buồn: nhà biên kịch Trần Đức Tuấn của Hãng phim TFS đã qua đời. Thọ 83 tuổi.

Ông sinh năm 1941, tại Nam Định. Là nhà báo, biên kịch, nguyên là trưởng Ban chương trình của Đài truyền hình TP HCM. Đối với khán giả màn ảnh nhỏ, những phóng sự, tư liệu, bộ phim về đề tài văn hóa, lịch sử, địa lý đều có sự đóng góp to lớn của ông bằng niềm đam mê cháy bỏng.

Nổi bật nhất phải kể đến thể loại phóng sự với bút pháp viết kịch bản và viết lời bình qua nhiều ký sự mà với công chúng yêu thích màn ảnh nhỏ của HTV, đều biết đến như: "Trung Hoa du ký" (23 tập), "Ký sự hỏa xa" (75 tập), "Hành trình theo chân Bác" (110 tập), Huyền bí sông Hằng (50 tập)… và "Mê Kông ký sự" (80 tập), được nhiều khán giả yêu thích và đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Từng có 6 năm học đại học chuyên văn tại Cuba và 5 năm làm chuyên viên tại Đài phát thanh Moscow (Nga), từ tuổi thanh niên, nhà biên kịch Trần Đức Tuấn đã được hấp thụ những tinh hoa văn hóa-văn học thế giới ở môi trường nước ngoài. 

Ông đam mê văn chương Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Trung Quốc..., đặc biệt say mê phong cách văn chương giàu tính triết lý của phương Tây. Với văn học Trung Quốc, ông thích nhất mảng tiểu thuyết dã sử và các bài thơ Đường.

Biên kịch Trần Đức Tuấn, người nổi tiếng với bộ phim Mê Kông ký sự qua đời - Ảnh 2.

Nhà biên kịch Trần Đức Tuấn chỉ đạo thực hiện một bộ phim ký sự

Ông thừa nhận, ngay trong lúc viết lời bình cho phim, ông đã vận dụng những điều tâm đắc mà hành trình tuổi trẻ đã cho ông cơ hội để khám phá. Ông vận dụng vào những trang bản thảo phục vụ cho lời bình, thuyết mình của lãnh vực làm phim ký sự.

Chưa từng học một trường lớp nào liên quan tới công việc viết lời bình nhưng ông đã sử dụng văn học rất tài hoa, làm cho mỗi bộ phim dạt dào cảm xúc, đọng lại những mẫu chuyện về văn hóa hết sức ý nghĩa.

Ông cũng là người biết cách điều hành nên mỗi chuyến đi đều tiết kiệm chi phí cho đoàn làm phim của HTV, để những sản phẩm đến với bạn xem đài không đội kinh phí quá cao, được anh em đồng nghiệp kính nể.

 

Tính tới thời điểm này, ông đã đi được khoảng 42 nước trên thế giới, trong đó, có nhiều quốc gia trở lại nhiều lần để hoàn thành bộ phim. Ước nguyện của ông là hoàn thành kịch bản 100 tập cho bộ phim Ký sự biển đảo do HTV và ông đã hoàn thành tâm nguyện. 

Ông có sức khỏe rất tốt, vẫn đủ sức đi khảo sát thực tế 6/28 tỉnh thành phố có biển đảo để lấy tư liệu và viết. Ông đã từng nói, đôi chân rong ruổi đã có lúc mệt rồi, nhưng cứ đi để khám phá, để ghi nhận, khi nào quá đuối thì tìm về những giấc mơ.

Vốn ham thích các chuyến lãng du phiêu bồng, hôm nay ông đã về với những giấc mơ tuyệt đẹp của chính mình. Vĩnh biệt Nhà biên kịch tài hoa, được đồng nghiệp, công chúng yêu mến.

Lễ động quan được tổ chức lúc 7 giờ ngày 5-7, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...