A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Lạt đang bị bức tử bởi bêtông hóa, nhà kính

Những năm trở lại đây, Đà Lạt liên tục đối diện với các kiểu thời tiết cực đoan như ngập lụt, sạt lở nhà cửa gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, tính mạng. Các nguyên nhân như biến đổi khí hậu đã được đưa ra nhưng cũng có quan điểm thẳng thắn cho rằng, việc xây dựng dồn nén trong trung tâm thành phố đã bức tử Đà Lạt.

Đà Lạt đang bị bức tử bởi bêtông hóa, nhà kính

Vụ sạt lở ở Đà Lạt khiến 2 người tử vong mới đây. Ảnh: Hữu Long

Thiên tai đã được dự báo từ trước

Từ đêm 28.6, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những vùng mây dông phát triển gây mưa to ở khu vực thành phố Đà Lạt. Mưa lớn đã gây sạt lở ở TP Đà Lạt và gây ngập sông Cam Ly tại huyện Đức Trọng, Lâm Hà.

Tại Đà Lạt sạt lở khiến 2 người bị vùi lấp, 2 người bị thương; 2 nhà kiên cố bị sập, 1 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần, 1 lán trại công nhân bị vùi lấp… Hay như tại khu vực đèo Mimosa, mưa lớn gây sạt lở taluy dương.

Theo báo cáo của chính quyền TP Đà Lạt, từ năm 2020 đến nay, rải rác trên địa bàn xuất hiện tình trạng vỡ bờ taluy hay nứt đất, sạt lở bờ kè với mức độ và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho biết, đến nay tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an điều tra liên quan đến vụ sạt lở ở phường 10, Đà Lạt. Ngoài việc đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lí Đô thị TP Đà Lạt, Tỉnh Lâm Đồng đang xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TP Đà Lạt trong việc để xảy ra sai phạm tại căn biệt thự bị sạt lở.

“Căn biệt thự sạt lở có sai phạm; sau khi sạt lở đã đè lên căn nhà phía dưới. Bây giờ tỉnh giao cho công an điều tra. Tỉnh đang xem xét trách nhiệm của TP Đà Lạt trong việc cấp phép đối với căn biệt thự này” - ông Trần Văn Hiệp thông tin thêm.

Sau sự cố nghiêm trọng tại Đà Lạt vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định dừng toàn bộ việc cấp giấy phép xây dựng đối với những công trình có độ dốc lớn, không đảm bảo an toàn để xây dựng công trình. Địa phương nào cấp phép xây dựng thì chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn đối với những công trình đã cấp phép.

Tìm lời giải

Có một sự thật là Đà Lạt ngày càng bị bêtông hóa. Thẳng thắn nêu ra bất cập là để hoàn thiện trong công tác quản lí ở Đà Lạt trong tương lai.

Vậy lời giải cho Đà Lạt chỉ có thể là những nhà hoạch định chính sách cùng ngồi lại đánh giá, lập ra một bản quy hoạch Đà Lạt bài bản, có tầm nhìn theo hướng giữ lại những mảng xanh, cảnh quan, kiến trúc, di sản và mở rộng ra các địa phương lân cận.

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc - Hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng - nhận định, Đà Lạt phát triển theo hướng đô thị hóa là một nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, Đà Lạt nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung đối mặt với những bất cập như mật độ xây dựng cao, thiếu mảng xanh đô thị.

Từ thực tế này, kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng, muốn giải bài toán đô thị hóa ở Đà Lạt thì chính quyền phải làm tốt công tác quy hoạch của Trung ương và địa phương.

Ông cho rằng, tình trạng sạt lở, mật độ xây dựng cao, làm nhà kính... chỉ là một trong số rất nhiều “căn bệnh” mà một địa phương phải đối mặt trong quá trình đô thị hóa. Tuy vậy, những “căn bệnh” này cần được xem xét một cách thận trọng, tìm giải pháp xử lí để tránh gây hậu quả về sau.

“Trong xu hướng phát triển của Đà Lạt, việc địa phương này mở rộng, sáp nhập huyện Lạc Dương để thành một đơn vị hành chính lớn hơn là xu hướng phát triển. Để làm được như thế, Đà Lạt cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch sáp nhập, trong đó, yếu tố quan trọng chính là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối các địa phương” - Kiến trúc sư Trần Đức Lộc chia sẻ thêm.

Đà Lạt được người Pháp đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực quy hoạch. Vào năm 1923, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đã Quy hoạch Đà Lạt là “thành phố vườn”. Thời điểm đó, các kiến trúc sư người Pháp bố trí thành phố trong một không gian vừa phải, khoảng 30.000ha. Đây là một diện tích hợp lí với quy mô dân số từ 30.000 đến 50.000 dân (lúc đó dân số Đà Lạt 1.500 người). Đến năm 2022, dân số Đà Lạt đã tăng lên 258.014 người và dự kiến sẽ còn mở rộng, sáp nhập một số địa phương vệ tinh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết