A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những mặt trái từ việc sinh viên đi làm thêm sớm

Kim Oanh - sinh viên năm cuối tại Hà Nội - nhận thấy hiện nay sinh viên đi làm thêm từ rất sớm, ngay từ năm nhất đại học. Kim Oanh cho rằng, việc này có rất nhiều mặt lợi như được trải nghiệm cuộc sống, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, thái độ, biết sắp xếp công việc hợp lý... Đặc biệt, có thêm một phần thu thập giúp trang trải cuộc sống.

Song cũng có những mặt tiêu cực mà sinh viên thường gặp phải khi đi làm thêm. “Nhiều bạn ngày càng quan trọng hoá tiền bạc nên càng đi làm nhiều, không chú ý đến học tập, dẫn tới kết quả học tập sa sút" - Kim Oanh cho hay.

Chị Kim Oanh hiện là sinh viên năm cuối đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kim Oanh hiện là sinh viên năm cuối đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiền kiếm được phần lớn lại dành chữa bệnh

Theo Kim Oanh, nhiều sinh viên bị lừa gạt bởi các công ty ảo, đi làm nhiều nhưng lương thấp, không phù hợp với công sức bỏ ra hoặc bị quỵt lương nhưng không biết cách để giải quyết. Thậm chí, họ bị dẫn dắt tham gia vào các nhóm đa cấp và bị lừa mất tiền bạc.

Kim Oanh chia sẻ, ban đầu Oanh cũng có tìm hiểu và định hướng rõ ràng, tìm những công việc phù hợp với ngành học. Tuy nhiên vì biến cố gia đình nên Kim Oanh bắt buộc phải tìm một công việc lâu dài để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

“Đầu năm 3 đại học, tôi đã thực sự sa đà vào việc kiếm tiền. Kết quả học tập giảm sút, sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề và cũng không còn nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè. Trong 3 tháng cuối năm cũng là lúc nhiều việc dồn lại nhất, tôi liên tục bị trào ngược thực quản, đau nửa đầu, đau nhức toàn thân và thiếu ngủ trầm trọng, nhiều đêm thức trắng” - Kim Oanh bộc bạch.

Dù chỉ mới hơn 20 tuổi nhưng những dấu hiệu về sự mệt mỏi, suy nhược cơ thể đã dần hình thành. Số tiền Kim Oanh kiếm được thời gian đó phần lớn lại phải dùng để khám chữa bệnh.

Kim Oanh thổ lộ: “Thực sự việc đánh đổi sức khỏe là điều không ai muốn. Nhưng nhiều sinh viên có những lý do bất đắc dĩ phải dành nhiều thời gian đi làm kiếm tiền, nhất là nhà không có điều kiện, bản thân phải tự lập sớm và cố gắng kiếm tiền để trả học phí, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ như Hà Nội".

Cho tới thời điểm hiện tại, Kim Oanh đã tập trung vào chăm sóc sức khỏe bản thân và tìm được một công việc phù hợp với mức lương ổn định. Kim Oanh thường dành khoảng 40 - 50 giờ/tuần để đi làm, tranh thủ các ngày lễ hoặc thứ bảy, chủ nhật để đi làm ca full 9 tiếng.

Hậu quả khó lường về sức khoẻ

Còn với Lâm Phú (sinh sống và làm việc tại Hà Nội), do đi làm từ thời sinh viên, Phú nhận thấy nhiều vấn đề bất cập như việc phải cân bằng giữa học và làm. Nhiều sinh viên có ham muốn kiếm tiền từ sớm mà bỏ bê việc học dẫn tới việc kết quả học tập không được khả quan. Nhiều người còn sẵn sàng đánh đổi cả sức khoẻ và thời gian.

Anh Lâm Phú lựa chọn công việc chụp ảnh tự do để linh hoạt về thời gian. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lâm Phú lựa chọn công việc chụp ảnh tự do để linh hoạt về thời gian. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bản thân Lâm Phú cũng từng gặp phải vấn đề này khi mới đi làm phục vụ quán ăn: “Đôi lúc làm 9 - 10 tiếng/ngày khiến tôi kiệt sức và phải nằm nghỉ cả ngày hôm sau. Tôi đến trường với gương mặt phờ phạc và thường xuyên ngủ gục vì mệt. Nhưng vì muốn phụ đỡ cha mẹ, tôi vẫn phải cố gắng".

Sau một thời gian cảm thấy sức khỏe suy giảm đáng kể, Lâm Phú quyết định tìm công việc mới. Nhờ vào niềm đam mê cũng như khả năng chụp hình của mình, Lâm Phú đã lựa chọn công việc chụp ảnh tự do. Mặc dù mức lương không ổn định nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Lâm Phú và còn linh hoạt về giờ giấc.

“Dù là sinh viên, còn trẻ và nhiều năng lượng nhưng việc đánh đổi sức khỏe để đi làm về lâu dài sẽ gây hậu quả khó lường, mắc các bệnh về tâm lý, dạ dày hay ốm vặt… Chúng ta phải ý thức về việc đi làm một cách có chừng mực, giữ gìn sức khỏe, ăn uống điều độ để tránh hậu quả sau này” - Lâm Phú chia sẻ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết