Quy định sang tên sổ đỏ của hộ gia đình khi có thành viên phản đối
Bạn đọc Hương Anh (Phú Thọ) hỏi: "Quy trình, thủ tục chuyển đổi, sang tên sổ đỏ hộ gia đình khi có thành viên phản đối như thế nào?"
Đổi sổ đỏ ghi tên hộ gia đình để đứng tên cá nhân thông qua tặng cho hoặc chuyển nhượng đất. Ảnh: Hưng Thơ.
Có được sang tên sổ đỏ khi có thành viên phản đối
Công ty Luật TNHH Youme trả lời: Về nguyên tắc, khi chuyển nhượng đất hộ gia đình phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Nội dung này được quy định rõ tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024 như sau:
"Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất".
Như vậy, chỉ cần một thành viên trong gia đình không đồng ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì không thể thực hiện việc sang tên.
Tuy nhiên, hộ gia đình vẫn sang tên được nếu tách riêng quyền sử dụng đất cho thành viên phản đối chuyển nhượng, sau đó thực hiện chuyển nhượng phần diện tích còn lại (chỉ thực hiện được nếu đủ điều kiện tách thửa).
Cách đổi sổ đỏ hộ gia đình sang tên cá nhân
Việc đổi sổ đỏ hộ gia đình sang tên cá nhân là việc chuyển từ sổ đỏ đứng tên của hộ gia đình sang cho một thành viên hoặc cá nhân nào đó đáp ứng đủ điều kiện.
Người dân khi muốn đổi sổ đỏ hộ gia đình để đứng tên cá nhân thì phải thông qua hình thức chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất.
Thứ nhất: Đổi sổ đỏ ghi tên hộ gia đình để đứng tên cá nhân thông qua tặng cho đất
Mặc dù được lựa chọn hình thức chuyển nhượng hoặc tặng cho nhưng giữa các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất chủ yếu sẽ áp dụng hình thức tặng cho. Để hoàn tất thủ tục cần thực hiện theo 3 bước sau:
Bước 1: Lập và công chứng hoặc chứng thực hợp đồng
Căn cứ Điều 40, 41 Luật Công chứng 2014, các bên cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
Những giấy tờ cần chuẩn bị để chuyển sổ đỏ từ hộ gia đình sang cá nhân. Ảnh chụp màn hình
Nơi công chứng: Muốn công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, người dân phải đến phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất.
Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính
Mặc dù được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhưng vẫn phải kê khai theo đúng quy định.
Vì trên thực tế khi khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ thực hiện cùng thời điểm với hồ sơ đăng ký biến động (đăng ký vào sổ địa chính) nên hồ sơ, thủ tục, thời hạn sẽ được trình bày gộp với bước 3.
Bước 3: Đăng ký biến động
Thời hạn phải đăng ký biến động: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực (thông thường sẽ là ngày công chứng hoặc chứng thực).
Hồ sơ khai thuế, phí và đăng ký biến động
Đơn đăng ký biến động;
Hợp đồng tặng cho được công chứng hoặc chứng thực;
Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;
Tờ khai lệ phí trước bạ.
Các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh.
Nộp hồ sơ: Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Văn phòng đăng ký đất đai.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Thứ hai: Đổi sổ đỏ hộ gia đình để đứng tên cá nhân thông qua chuyển nhượng đất
Tương tự như việc tặng cho quyền sử dụng đất đã nêu trên, khi chuyển nhượng, tặng cho đất hộ gia đình phải thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng
Bước 2: Nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký sang tên (đăng ký biến động)
Lưu ý: Bước 2 và bước 3 có thể thực hiện cùng thời điểm nếu người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho nộp thuế thu nhập cá nhân thay cho bên chuyển nhượng, tặng cho.