A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi người tham gia BHXH đòi quyền lợi

Quyền lợi của người tham gia BHXH bị treo vì sai sót và quy định cứng nhắc của cơ quan BHXH

Đóng BHXH tròn 20 năm nhưng khi đủ tuổi nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí, ông Nguyễn Viết Lâm, chủ hộ kinh doanh cá thể tại tỉnh Tuyên Quang, đã nhiều lần khiếu nại đến cơ quan BHXH tỉnh. Sau gần 2 năm chờ đợi trong vô vọng, tháng 2-2023, ông Lâm khởi kiện cơ quan BHXH ra tòa vì lý do không giải quyết đơn khiếu nại, không ban hành quyết định hưởng chế độ hưu trí đối với ông.

Khổ vì "chờ hướng dẫn"

Từ tháng 1-2005, ông Lâm bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đến tháng 7-2017, cán bộ BHXH tỉnh Tuyên Quang cho hay chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc trường hợp đóng BHXH bắt buộc và hướng dẫn ông Lâm tham gia BHXH tự nguyện.

Khi người tham gia BHXH đòi quyền lợi - Ảnh 1.

Công nhân một doanh nghiệp tại quận Tân Bình, TP HCM làm thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

Với mong muốn được hưởng lương hưu khi về già, ông Lâm tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến tháng 1-2020. Ngày 19-1-2020, ông Lâm tròn 60 tuổi nhưng thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm nên tiếp tục được cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Ngày 22-4-2020, ông Lâm đóng gần 270 triệu đồng cho 59 tháng còn thiếu và tin rằng sẽ được hưởng lương hưu từ tháng 5-2020.

Tuy nhiên, sau đó ông được BHXH tỉnh trả lời chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng cán bộ làm công tác thu BHXH chưa hiểu rõ quy định nên thu sai và đề nghị ông Lâm chờ văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, BHXH Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn. Không riêng ông Lâm mà khoảng 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể khác tại 54 địa phương đã đóng BHXH bắt buộc đang bị treo quyền lợi.

Không riêng các chủ hộ kinh doanh cá thể, hiện nay nhiều người lao động (NLĐ) khi làm thủ tục hưởng BHXH một lần cũng đang bị cơ quan BHXH từ chối giải quyết với lý do "chờ hướng dẫn". Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (huyện Củ Chi, TP HCM) là trường hợp điển hình. Từ tháng 1-1996, bà Nguyệt là công nhân (CN) Công ty TNHH SamYang Việt Nam.

Đến tháng 5-2003, công ty này được chuyển nhượng cho Công ty TNHH Việt Nam Samho nên làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà. Sau khi chấm dứt HĐLĐ, bà ký HĐLĐ mới với Công ty TNHH Việt Nam Samho (từ tháng 6-2003) và được giải quyết hưởng BHXH một lần vào tháng 8-2003. Tháng 3-2022, bà Nguyệt nghỉ việc và làm thủ tục hưởng BHXH một lần vào tháng 5-2023.

Tuy nhiên, hồ sơ của bà Nguyệt bị BHXH thành phố từ chối giải quyết vì vi phạm quy định hưởng BHXH một lần trong lần hưởng trước đó nên phải chờ hướng dẫn của BHXH Việt Nam. "Gia đình tôi gồm 4 người nhưng chỉ có 2 mẹ con đi làm. Sau khi nghỉ việc, tôi không xin được việc làm mới do lớn tuổi. Con trai tôi cũng vừa bị mất việc. Cuộc sống của cả nhà chỉ còn trông chờ vào khoản trợ cấp BHXH một lần của tôi nhưng nay lại ách tắc khiến tôi mất ăn, mất ngủ" - bà Nguyệt rầu rĩ.

Cứng nhắc

Mang thai trong giai đoạn doanh nghiệp (DN) nợ BHXH từ đầu năm 2021 đến nay nên chị Trần Thị Hiếu, CN Công ty CP Quốc tế Quang Điện (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), đã liên hệ cơ quan BHXH để mua BHYT hộ gia đình nhưng bị từ chối vì đang có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc tại công ty.

Tháng 4-2023, do sinh khó, chị Hiếu được chỉ định sinh mổ, chi phí tốn kém nhưng không được hưởng chế độ thai sản. Chồng chị vừa mất việc nên khi sinh con, chị Hiếu phải chạy vạy khắp nơi để thanh toán viện phí. "DN nợ BHXH khiến NLĐ thiệt thòi và càng thiệt thòi hơn khi bị khước từ quyền được tham gia BHYT tự nguyện, không được chăm sóc sức khỏe khi cần. NLĐ không có lỗi khi DN nợ BHXH nhưng các quy định cứng nhắc đã đẩy khó cho NLĐ" - chị Hiếu bức xúc.

Bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Long An, cho rằng rất bất hợp lý khi bắt NLĐ phải chịu hậu quả từ việc không do mình gây ra. Hơn nữa, một số quy định cứng nhắc của cơ quan BHXH khiến NLĐ thêm khó khăn. Chẳng hạn, một số DN thật sự khó khăn do không có đơn hàng, phải ngừng sản xuất và cho NLĐ nghỉ việc.

 

DN không có khả năng khắc phục toàn bộ nợ BHXH một lần mà đóng nhiều lần, trong đó ưu tiên đóng trước một phần nợ để giải quyết trước quyền lợi cho một số trường hợp đặc biệt khó khăn như mang thai, nuôi con nhỏ, ốm đau, lớn tuổi… nhưng bị cơ quan BHXH từ chối, buộc phải đóng đủ số nợ một lần mới chốt sổ cho NLĐ. Theo bà Trang, quy định này không chỉ ảnh hưởng quyền lợi NLĐ và còn khiến quỹ BHXH bị thất thu.

Ngoài các trường hợp trên, hiện nhiều NLĐ cũng bị treo quyền lợi vì trước đây lỡ mượn hay cho mượn hồ sơ xin việc. Bà Lê Thị Thu Cúc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An, cho hay sau khi có Công văn 1767/LĐTBXH-BHXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc giải quyết chế độ cho NLĐ bị ách tắc. Theo công văn này, trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là vi phạm luật và thuộc trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ. Thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu thuộc tòa án. Song khi ra tòa lại phát sinh vướng mắc, như DN không còn tồn tại, người cho mượn hay mượn hồ sơ đã mất... nên không xử lý được.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...