A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến nghị tăng cường chế tài xử lí doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Nghệ An - Dù đã triển khai nhiều giải pháp, song số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người lao động.

Kiến nghị tăng cường chế tài xử lí doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm

Trụ sở Cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hải Đăng

Ngày 24.5, thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến quý I/2023, tỉnh Nghệ An có 756 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền lên tới hơn 173 tỉ đồng, trong đó có những doanh nghiệp nợ kéo dài nhiều năm.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Lê Viết Thức cho biết, ngoài nguyên nhân doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có khả năng tài chính, tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thì còn có nguyên nhân căn cơ đó là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để xử lí doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).

Hiện nay, doanh nghiệp nợ quá hạn BHXH phải nộp số tiền lãi chậm nộp cao hơn nhiều so với mức lãi suất đi vay ngân hàng. Tuy nhiên lợi dụng thời gian chậm đóng trên 30 ngày mới phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp, vẫn có doanh nghiệp nợ gối đầu, nghĩa là tháng sau mới đóng cho tháng trước.

Việc doanh nghiệp chậm nộp, nợ BHXH-BHYT đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo quy định, trường hợp doanh nghiệp nợ BHYT dẫn đến quyền lợi người lao động khi khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của người lao động.

Khi người lao động hưởng chế độ thai sản, thực hiện theo nguyên tắc đóng đến đâu, hưởng đến đó. Khi doanh nghiệp trả đủ nợ bảo hiểm thì điều chỉnh giải quyết bổ sung hoặc doanh nghiệp phải đóng trước số tiền phải đóng cho các đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ.

Tuy nhiên, trong thực tế người lao động thiệt thòi vì phải tự bỏ tiền ra chi trả cho các khoản chi mà đáng ra họ được hưởng theo chế độ bảo hiểm. Nhiều trường hợp để được doanh nghiệp giải quyết hoàn lại tiền rất khó khăn, kéo dài.

Theo lãnh đạo BHXH Nghệ An việc thực hiện chế tài khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH chưa thực sự hiệu quả vì còn vướng mắc bởi các quy định pháp luật liên quan.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Lê Viết Thức cho rằng, cần tăng cường các chế tài, tăng cường các giải pháp để bảo đảm thực thi các quy định về đóng BHXH-BHYT.

Cụ thể, theo Luật BHXH dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp, có 6 giải pháp: tính tiền chậm nộp theo ngày; ngừng sử dụng hóa đơn; hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm; cơ quan BHXH có quyền khởi kiện đơn vị nợ; cơ quan BHXH có quyền kiến nghị khởi tố khi có dấu hiệu tội phạm và quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động nếu vi phạm luật BHXH gây thiệt hại.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết