A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đừng đẩy thiệt thòi về người lao động

Sửa đổi Luật Việc Làm nên theo hướng hỗ trợ tối đa cho người lao động trong trường hợp không có việc làm, đời sống khó khăn

Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi với nhiều nội dung bổ sung, thay đổi có liên quan mật thiết đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến là quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), bởi theo dự thảo sẽ có nhiều nhóm lao động không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp.
Siết điều kiện hưởng?

Cụ thể, điều 111 của dự thảo quy định NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng TCTN khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 điều 97 luật này theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước; NLĐ bị sa thải; NLĐ hưởng lương hưu và NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Theo quy định này, sẽ có nhiều trường hợp không thỏa điều kiện hưởng TCTN. Trong đó, việc siết điều kiện hưởng với lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ và NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khiến nhiều người băn khoăn. Chủ tịch Công đoàn một công ty tại huyện Củ Chi, TP HCM, cho biết thời gian qua, nhiều lao động tại công ty sau khi đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng thắc mắc khoản tiền họ đóng BHTN được giải quyết như thế nào vì không thể hưởng song song cả BHTN và lương hưu. 

Công ty liên hệ cơ quan BHXH và được trả lời rằng khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu NLĐ làm hồ sơ hưởng lương hưu trước thì sẽ không được hưởng chế độ BHTN. Nếu muốn hưởng TCTN thì khoan làm hồ sơ hưởng lương hưu, thay vào đó họ sẽ làm hồ sơ hưởng TCTN trước (phải đáp ứng đủ điều kiện hưởng TCTN). NLĐ có thể tính toán và chọn giữa TCTN và lương hưu. Tuy nhiên, theo dự thảo luật thì quyền lựa chọn này không còn nữa.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Intel Products (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM), cho rằng BHTN theo nguyên tắc chia sẻ nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc có đóng có hưởng. Vì vậy, việc bổ sung quy định NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu không thuộc đối tượng hưởng TCTN là thiệt thòi cho NLĐ. "Luật hiện hành không có quy định này. 

Không biết các cơ quan soạn thảo luật căn cứ cơ sở nào để đưa nội dung này vào dự thảo luật và đã có đánh giá tác động xã hội hay chưa? Theo tôi, nên giữ nguyên như quy định hiện hành hoặc nếu không cho NLĐ nhận TCTN thì ít nhất cho họ nhận 1 lần, có thể số tiền mỗi tháng thấp hơn 60%" - bà Yến đề xuất.

Đừng đẩy thiệt thòi về người lao động- Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Không nên quy định thời gian hưởng tối đa

Theo quy định hiện hành, thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN. Cứ đóng 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Điều này được kế thừa trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Ông Lê Trường Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh, cho rằng quy định về thời gian hưởng tối đa sẽ gây thiệt thòi đối với NLĐ tham gia BHTN trong toàn bộ thời gian làm việc (kéo dài trên 144 tháng), nghỉ việc hoặc bị mất việc khi đã lớn tuổi nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. 

"Mất việc ở độ tuổi xấp xỉ 50, NLĐ sẽ rất khó tìm việc làm mới có thu nhập ổn định, đẩy họ vào tình cảnh khó khăn, lúc ấy BHTN sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh để họ bám víu. Vì vậy, tôi đề xuất không nên quy định thời gian hưởng tối đa 12 tháng (theo khoản 2, điều 112 dự thảo luật) mà xem xét cho họ được hưởng TCTN theo đúng thời gian họ đã đóng để giải quyết khó khăn trước mắt" - ông Thọ nói.

Luật sư Phan Thị Lan (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết thời gian qua, nhiều NLĐ đến tư vấn cũng thắc mắc về TCTN. Một số trường hợp cũng cho rằng khoảng thời gian họ đóng dư ra không được bảo lưu và sẽ phải đóng lại từ đầu sau khi đã hưởng TCTN khiến họ cảm thấy thiệt thòi. Bà Lan nhấn mạnh rằng dù BHTN được xây dựng trên quy tắc chia sẻ, đóng hưởng nhưng cũng cần xét đến những lao động đã có quá trình đóng BHTN cho đến lúc nghỉ hưu, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí nên không hưởng BHTN. 

Trong trường hợp này, NLĐ cảm thấy khoản tiền mình đóng cho BHTN nhiều năm liền bị mất đi. Vì vậy, bà cho rằng cần có quy định bổ sung quyền lợi nếu NLĐ tham gia BHTN cả quá trình lao động mà cho đến lúc nghỉ hưu không hưởng BHTN lần nào thì khi nghỉ hưu sẽ được hưởng thêm một khoản TCTN. Khoản trợ cấp này sẽ được tính toán để bảo đảm quy tắc chia sẻ nhưng vẫn không khiến NLĐ thấy thiệt thòi. Có như vậy, họ mới không tính đến nghỉ việc để hưởng TCTN trong thời gian chờ rút BHXH một lần và tích lũy số năm đóng BHXH, BHTN cho tới lúc nghỉ hưu. 

Có đóng mà không có hưởng

Bà Trần Thị Phượng, công nhân Công ty TNHH May thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM), cho rằng nếu quy định NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng hưu không được hưởng TCTN được thông qua thì những trường hợp như bà rất có khả năng "có đóng mà không có hưởng". Bà Phượng năm nay đã ngoài 50 tuổi, có hơn 20 năm tham gia BHXH và 15 năm đóng BHTN, chỉ còn vài năm nữa bà đến tuổi nghỉ hưu. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà xác định làm việc đến lúc nghỉ hưu. Bà Phượng nói: "Như vậy, nếu muốn hưởng TCTN thì tôi phải nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu 1 năm. Tuy nhiên, lương hưu của tôi sẽ thấp hơn 2% so với làm việc đến tuổi nghỉ hưu. Và kể cả tôi có chấp nhận điều này tôi vẫn không đủ điều kiện hưởng nếu tôi đơn phương chấm dứt HĐLĐ bởi theo quy định của dự thảo luật thì khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ không được hưởng TCTN".

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...