Cần chính sách hỗ trợ lao động trung niên
Số lao động trung niên sẽ ngày càng tăng theo tốc độ già hóa dân số nhưng chưa có các chính sách hỗ trợ căn cơ về việc làm cho đối tượng này
Tuổi nghề ngắn, tuổi hưu cao
Gần 1 năm sau, bà Hoa mới tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, công ty mới chỉ chấp nhận ký hợp đồng lao động từng năm một. Hiện tại hợp đồng lao động sắp hết hạn, trong khi DN ít đơn hàng, bà Hoa lại đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Theo bà Hoa, độ tuổi chính là rào cản khiến bà khó tìm việc làm mới.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Nhóm lao động trung niên bị sa thải có chiều hướng tăng mạnh, gấp 1,6 lần năm 2021. Tại TP HCM, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP, năm 2023 có 164.929 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), trong đó có 81.983 lao động trên 35 tuổi.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho hay qua khảo sát tại gần 9.000 DN với hơn 237.270 lao động đang làm việc cho thấy phần lớn thuộc nhóm tuổi từ 25-34 (chiếm 42,5%), nhóm từ 35-49 tuổi chiếm 30,17%, còn nhóm từ 50 tuổi trở lên chỉ chiếm 7%.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Hà Nội. Theo báo cáo của Trung tâm DVVL Hà Nội cho thấy trong tháng 8-2024, các DN có nhu cầu tuyển dụng 40.632 vị trí việc làm và hơn 25.000 NLĐ đi tìm việc. NLĐ tìm việc chủ yếu tập trung ở nhóm 25-34 tuổi, chiếm 48,85%. Nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%.
Theo đơn vị này, lao động ở độ tuổi trung niên có thể gặp khó khăn trong tìm việc do thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng. Sự phát triển của công nghệ và tự động hóa đã thay đổi nhiều ngành nghề khiến cho những kỹ năng truyền thống mà lao động trung niên sở hữu trở nên lỗi thời.
Theo các chuyên gia lao động, thực tế cho thấy hiện nay NLĐ làm việc trong các ngành thâm dụng lao động có tuổi nghề rất ngắn, thấp hơn nhiều so với tuổi hưu. Các DN thường không tuyển dụng lao động trên 40 tuổi, nên khi mất việc NLĐ rất khó tìm việc làm mới. Mặt khác, ở các ngành thâm dụng lao động, NLĐ đa phần có trình độ phổ thông hoặc được đào tạo kỹ năng đơn giản, trình độ sơ cấp.
Với tính chất công việc lặp đi lặp lại, ít thay đổi, NLĐ ít có cơ hội tham gia đào tạo nâng cao tay nghề. Nay đến độ tuổi nhất định (sau độ tuổi 40), việc tham gia các khóa đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp để quay lại thị trường lao động hay đào tạo cập nhật các công nghệ mới cũng gặp nhiều khó khăn.
Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự báo, năm 2028, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cùng với đó, thế hệ lao động đầu tiên bước vào ngành thâm dụng lao động đã bắt đầu rời ngành sau 20 năm làm việc ngày càng nhiều; sự cạnh tranh lao động ngày càng tăng khi các DN bắt đầu thực hiện việc thay đổi công nghệ mới để phù hợp yêu cầu sản xuất... Những lý do này không chỉ gây áp lực không nhỏ cho lao động trung niên mà lên cả chính sách an sinh xã hội của nhà nước.
Thực trạng trên đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) nhận ra và có giải pháp khắc phục. Theo đó, đối với các ngành, nghề có tuổi nghề thấp, ngoài chính sách ưu đãi về tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB-XH chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ tay nghề cho NLĐ; nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua việc hỗ trợ DN duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho NLĐ…
Tuy nhiên, theo ThS Lường Minh Sơn, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, việc xem xét kéo giảm tuổi hưu cho NLĐ làm việc trong các ngành nghề thâm dụng lao động sớm từ 5-10 năm (so với độ tuổi nghỉ hưu quy định trong điều kiện làm việc bình thường) có thể sẽ tạo áp lực lên quỹ BHXH nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung.
"Kết quả từ nhiều nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy việc cho NLĐ nghỉ hưu sớm không làm giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp mà tạo áp lực lên khoản chi phí do nhà nước gánh chịu" - ông Sơn nhìn nhận.
Để tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi duy trì, tạo việc làm bền vững, các chuyên gia lao động cho rằng cần có khái niệm cụ thể về "lao động lớn tuổi", "lao động trung niên" khi sửa đổi Luật Việc làm, đồng thời bổ sung các chính sách hỗ trợ đặc thù cho đối tượng này. TS Hồ Xuân Dũng, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, đề xuất nên xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo và tái đào tạo lao động lớn tuổi theo nhu cầu của thị trường. Việc hỗ trợ đào tạo có thể thông qua DN, nơi NLĐ làm việc, hoặc đào tạo thông qua các đơn vị được Nhà nước đặt hàng.
Bên cạnh đó, bổ sung chính sách hỗ trợ DN trong việc kéo giãn tuổi nghề cho lao động lớn tuổi khu vực thâm dụng lao động bằng công cụ thuế. Ngoài ra, nên tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn chuyển đối nghề nghiệp cho NLĐ lớn tuổi thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm; hỗ trợ phát triển các ngành nghề phù hợp cho họ như giúp việc gia đình, hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi... để tạo thêm cơ hội thông qua việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của NLĐ.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến 30-9-2024, cả nước có 243.732 người hưởng TCTN. Trong đó, số người hưởng không có bằng cấp chứng chỉ chiếm đa số (62,4%). Nhóm ngành có số lao động hưởng TCTN nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (46%); nhóm nghề hưởng TCTN lớn nhất là thợ may, thêu và các thợ có liên quan (22,6%).