A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% hiện nay lên 75% mức bình quân tiền lương đóng để phù hợp với thực tế cuộc sốn

Sáng 27-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Nội dung liên quan bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.
Nhiều vấn đề cần làm rõ

Quan tâm đến điều kiện hưởng TCTN, ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) dẫn quy định tại điểm b khoản 1 điều 94 quy định về người lao động (NLĐ) bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc theo pháp luật là viên chức, nhưng sau đó, NLĐ chứng minh và có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về quyết định sa thải hoặc là quyết định kỷ luật buộc thôi việc đó là trái pháp luật. "Trường hợp này, việc hưởng TCTN của NLĐ như thế nào?" - ĐB Sang đề nghị phải làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) phát biểu góp ý Luật Việc làm (sửa đổi) Ảnh: HỒ LONG

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) phát biểu góp ý Luật Việc làm (sửa đổi) Ảnh: HỒ LONG

ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cũng đánh giá việc quy định như trên, vô hình trung tước bỏ quyền lợi của NLĐ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ BHTN và đi ngược lại với nguyên tắc đóng - hưởng cơ bản của bảo hiểm xã hội. Bà Hà đề nghị bỏ quy định này để duy trì tính công bằng, minh bạch trong chính sách BHTN, đồng thời sẽ củng cố niềm tin của NLĐ với hệ thống an sinh xã hội. 

Ngoài ra, theo ĐB tỉnh Bắc Ninh, quy định đóng BHTN trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng TCTN cho lần tiếp theo, sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy, vừa gây thiệt thòi cho NLĐ, vừa làm suy yếu chính sách an sinh xã hội khi sẽ có nguy cơ khuyến khích rút bảo hiểm xã hội một lần khi NLĐ không còn động lực để gắn bó với hệ thống bảo hiểm lâu dài.

Về mức hưởng TCTN, ĐB Điểu Huỳnh Sang cho biết hiện nay mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng là "không đủ chi phí cá nhân cho NLĐ, chứ chưa kể đến việc lo chi phí cho gia đình". 

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp (DN) đóng BHTN theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đề nghị cần rà soát, tăng mức hưởng TCTN từ 60% lên 75% để phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Còn ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, quan tâm về nội dung đóng BHTN cho NLĐ. Dự thảo Luật quy định trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng hoặc trốn đóng BHTN, thì NLĐ được phép sử dụng tiền của mình nộp vào quỹ BHTN để được hưởng các chế độ BHTN. 

Bà Trân lưu ý quy định như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ và có thể gây bức xúc cho họ bởi DN nợ tiền bảo hiểm mà NLĐ lại phải tự đóng thay là chưa phù hợp. Trong trường hợp này, bà Trân đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của DN nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHTN cho NLĐ. Cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng chi trả để NLĐ không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc DN hoàn trả toàn bộ số tiền đã trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ

Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB đề nghị bỏ quy định hưởng TCTN tối đa không quá 12 tháng như dự thảo, để bảo đảm nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng đến đâu hưởng đến đó, không giới hạn.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng nhất khi tham gia bảo hiểm là có đóng, có hưởng. Do đó, dù NLĐ có bị sa thải, thậm chí bị đi tù thì trước đó cũng đã có thời gian đóng bảo hiểm và phải được hưởng quyền lợi. "Việc tước mất quyền lợi của NLĐ là không hợp lý". ĐB Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cũng đề nghị cần xem xét sửa đổi quy định về chế độ đóng và hưởng BHTN nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ và nguyên tắc có đóng, có hưởng.

ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) quan tâm đến phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ. Ông đề nghị cần chú trọng và có cách tiếp cận mới trong mở rộng hơn về đối tượng người được hỗ trợ, để NLĐ được bồi dưỡng, tham gia đào tạo về các kỹ năng nghề... Theo ông, chất lượng lao động tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư của quốc gia, nhưng dự thảo luật về hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng nghề vừa quá rộng, quá dàn trải, vừa không rõ đối tượng được hỗ trợ, nguồn lực và phương thức hỗ trợ.

Còn theo ĐB Trần Thị Thanh Lam (đoàn Bến Tre), nhiều tổ chức quốc tế cho rằng kỹ năng nghề sẽ là "đơn vị tiền tệ quốc tế mới" trong thị trường lao động tương lai bởi đã đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn. Lượng lao động có kỹ năng sẽ có ý nghĩa quyết định tới năng suất lao động. 

Theo bà Lam, nếu là đơn vị tiền tệ thì đều có mệnh giá, vậy có nên xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo thứ bậc hay không? Thứ bậc được xây dựng theo tiêu chuẩn nghề quốc gia cần phải tính toán đến việc DN thừa nhận và giải quyết mâu thuẫn giữa kỹ năng nghề của NLĐ có và thứ DN cần. Thứ bậc nghề được xây dựng phải có cập nhật, trước mắt hướng đến chuẩn nghề Asian và một số nước đang tiếp nhận nhiều lao động ở Việt Nam được luật pháp thừa nhận.

Giải trình trước những ý kiến của ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết các xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, tác động của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số đang có sự tác động đa dạng, dẫn đến nhiều thay đổi. Từ thực tế đó, đưa ra những vấn đề có tính chất vượt trội để hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý với mục tiêu thúc đẩy xây dựng thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, đa dạng, bền vững và hội nhập. 

Tạo ra việc làm đầy đủ, chất lượng

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhìn nhận 10 năm qua, Luật Việc làm đã có những quy định không còn phù hợp, thiếu cơ chế để phát huy đa dạng nguồn lực xã hội và thúc đẩy giải quyết việc làm. Lao động phi chính thức cùng điều kiện thụ hưởng còn thấp, rủi ro và thiếu bền vững. Cùng với đó, các chế định tham gia hỗ trợ việc làm còn nhiều bất cập. Đào tạo nhân lực thiếu đột phá mạnh, nhất là ở nhân lực chất lượng cao. "Trọng tâm của việc sửa Luật Việc làm là tạo ra việc làm đầy đủ, chất lượng cao và nâng cao năng suất lao động" - ông Đào Ngọc Dung nói.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...