Văn học nghệ thuật với những đóng góp trong kỷ nguyên mới
Ngày 20/11, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo “Đất nước đổi mới và những đóng góp của văn học nghệ thuật nhóm VN8+5”. Nhóm hợp tác phát triển văn học nghệ thuật VN8+5 gồm các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Phú Thọ, Hải Phòng, Yên Bái, Sơn La, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thừa Thiên - Huế.
Đây là nhóm các Hội Văn học nghệ thuật có tính tương đồng về số lượng hội viên, phương thức, mục tiêu hoạt động, xu hướng phát triển, thành tựu, thuận lợi, khó khăn, định hướng sáng tác, mô hình đổi mới trong các hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm và đổi mới trong hoạt động văn học nghệ thuật.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá những thành công, đóng góp, hạn chế của văn học nghệ thuật trong nhóm hợp tác VN8+5 và đội ngũ văn, nghệ sĩ đối với sự phát triển, đổi mới của đất nước, chia sẻ những mô hình mới, bài học kinh nghiệm, cách làm hay của các hội để học tập, giúp đỡ, phối hợp cùng nhau phát triển, đồng hành cùng sự phát triển của mỗi địa phương, đất nước. Các tham luận đã khẳng định vai trò, vị trí của văn học nghệ thuật đối với đời sống chính trị của đất nước; sự bứt phá trong việc xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp, doanh nhân trong thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật thời kỳ mới; sự trưởng thành của đội ngũ văn, nghệ sĩ, nhất là thế hệ sinh sau năm 1975; những khó khăn, đề xuất hướng tháo gỡ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật…
Các đại biểu đề xuất đối với hoạt động của các hội thời gian tới như: gắn nội dung các sáng tác với việc thực hiện quán triệt sâu sắc đường lối chủ trương của Đảng, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tạo môi trường tự do trong sáng tạo, khuyến khích văn, nghệ sĩ nỗ lực tư duy, sáng tác; tiếp tục củng cố đoàn kết tổ chức hội, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công bố, phổ biến tác phẩm; phát huy các mảng thế mạnh, khắc phục một số mảng đề tài còn hạn chế như viết cho thiếu nhi, nhà trường, y tế…; quảng bá tác phẩm tới công chúng bằng nhiều hình thức.
Các đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế phù hợp để thu hút, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu văn nghệ trẻ; khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ để các văn, nghệ sĩ dân tộc thiểu số sáng tác, quảng bá tác phẩm; các địa phương cần quan tâm hơn nữa về đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho cơ quan báo chí, văn nghệ...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh giá cao sáng kiến và mô hình liên kết, phối hợp trong hoạt động của nhóm hợp tác phát triển VN8+5, đồng thời ghi nhận sự đóng góp của VN8+5 trong thời gian qua. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị nhóm tiếp tục lan tỏa, phát triển, khắc phục khó khăn, thúc đẩy hoạt động văn học nghệ thuật các tỉnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới của đất nước, đặc biệt là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đánh giá hiện nay lĩnh vực lý luận phê bình vẫn là một hạn chế trong hoạt động hội, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề nghị các hội cần chú trọng nâng tầm tiếng nói lý luận phê bình văn học nghệ thuật, theo sát đời sống văn học nghệ thuật để có những đánh giá, dự báo, định hướng về sự phát triển của văn học nghệ thuật trong tương lai; đồng thời trao đổi, hướng dẫn từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác hội, các văn, nghệ sĩ./.
Mạnh Minh