A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để thiếu hụt rau xanh, hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô

Ngay sau khi cơn bão số 3 (YAGI) đi qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc liên tục xảy ra mưa lớn, nước lũ tại các sông cũng dâng cao khiến cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng. Song, với quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, báo cáo ngay khi xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định

Trong bối cảnh nhiều địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, trong đó có thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu đã triển khai ngay kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt rau củ do thiên tai.

Để phục vụ người dân, đặc biệt là những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường vận chuyển rau củ từ Nam ra Bắc, đẩy mạnh sản xuất để bảo đảm sản lượng cung cấp cho các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ông Hà Long Thành, Giám đốc vận hành sản xuất Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco (thành viên của Tập đoàn Masan) cho biết: Để cung cấp nông sản kịp thời đến tận tay người tiêu dùng, WinEco đã huy động mọi nguồn lực vận chuyển nông sản từ các nông trường phía Nam ra các tỉnh miền Bắc. Từ ngày 8/9, gần 100 tấn rau củ thiết yếu đã được vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc.

“Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, đồng thời, bù đắp sự thiếu hụt do thiệt hại của các nông trường miền Bắc sau bão, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng, và nhiều mặt hàng khác”, ông Hà Long Thành nói.

Không để thiếu hụt rau xanh, hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô

Các doanh nghiệp nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu phục vụ người dân

Ngoài ra, để đảm bảo duy trì ổn định nguồn hàng của miền Bắc đến cuối tháng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Đồng và miền Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa gia tăng song hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan không có chính sách tăng giá. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì… vẫn được cung cấp đầy đủ với giá cả ổn định.

Cũng chủ động kết nối, phân phối nông sản phục vụ Nhân dân Thủ đô, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm Thu mua ngành hàng tươi sống hệ thống siêu thị MM Mega Market cho biết: Nhà phân phối này đang thực hiện tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra nếu các vùng như Hải Dương và Mộc Châu bị ngập vì bão.

MM Mega Market nỗ lực duy trì nguồn cung ổn định nhất có thể với cam kết không tăng giá hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu như rau củ quả, thịt cá...

MM Mega Market đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (khoảng 40 tấn rau củ). Đồng thời, MM Mega Market vẫn đảm bảo nguồn cung thịt heo lớn do có trạm thu mua và trung chuyển thịt heo ngay tại Hà Nội.

“Từ Hà Nội, chúng tôi sẽ vận chuyển nguồn hàng tươi sống đi khắp các tỉnh phía Bắc và mở cửa đón khách bình thường cùng nguồn cung duy trì ổn định, giá không đổi”, ông Phạm Văn Hùng chia sẻ.

Tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm nguồn hàng

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân sau bão và hoàn lưu bão số 3, Sở Công thương Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ, doanh nghiệp xăng dầu trên địa bàn sớm xử lý các sự cố xung quanh khu vực bán hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa được thông suốt, an toàn, kịp thời.

Bên cạnh đó, thực hiện cứu trợ theo phương án đã xây dựng để bảo đảm đời sống Nhân dân, đặc biệt là khu vực bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3.

Sở Công thương cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện và hỗ trợ các đơn vị tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng và bán hàng phục vụ Nhân dân; Tiếp tục tổ chức ứng trực, theo dõi sát diễn biến hoàn lưu bão số 3 để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các điểm bán hoạt động liên tục, thông suốt.

Không để thiếu hụt rau xanh, hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu của Hà Nội luôn đảm bảo, phục vụ Nhân dân sau bão và hoàn lưu bão số 3

Đối với các đơn vị kinh doanh thương mại, doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu cần nhanh chóng rà soát, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục trước tiên điều kiện cơ sở vật chất cơ bản để toàn bộ các điểm mở cửa bán hàng. Chủ động nắm bắt thông tin nhu cầu, nguồn cung hàng hóa và có kế hoạch chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu một cách hợp lý bảo đảm hoạt động kinh doanh của đơn vị và lượng hàng hóa cung ứng với giá cả ổn định phục vụ nhu cầu người dân sau bão.

Tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (nhất là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng, dầu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân sau bão; thực hiện bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định. Có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa tới các điểm bán.

Các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phối hợp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan khắc phục thiệt hại do bão gây ra để đưa các chợ hoạt động ổn định trở lại. Tuyên truyền các hộ kinh doanh tại chợ sắp xếp, chỉnh trang, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực kinh doanh; chấp hành đầy đủ các quy định chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa kinh doanh, tuyệt đối không đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán tăng cao.

Đặc biệt, cần theo dõi thường xuyên tình hình luân chuyển và giá cả hàng hóa thiết yếu của các hộ kinh doanh tại chợ để kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa hoặc báo cáo ngay khi xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...