A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ ám sát ông Abe Shinzo: Nghi phạm khai thêm những gì?

Nghi phạm Tetsuya Yamagami bắt đầu suy tính việc sát hại cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ mùa thu 2021.

Theo Yomiuri Shimbun, Tetsuya Yamagami (41 tuổi) khai với cảnh sát rằng ban đầu y nhắm mục tiêu vào người đứng đầu một nhóm tôn giáo (Liên đoàn Gia đình vì hòa bình và thống nhất thế giới - thường được gọi là Giáo hội Thống nhất)) nhưng đã đổi mục tiêu thành ông Abe vào mùa thu năm ngoái.

Yamagami thay đổi kế hoạch giết người đứng đầu Giáo hội Thống nhất vì cảm thấy kế hoạch này khó thành hiện thực.

Nghi phạm chuyển mục tiêu sang ông Abe sau khi xem một đoạn video, trong đó ông Abe tham dự cuộc họp tháng 9-2021 với một tổ chức có liên quan tới người đứng đầu Giáo hội Thống nhất. Nghi phạm từ đó cho là ông Abe có liên quan đến giáo hội này.

"Khi tôi xem đoạn video, tôi tin rằng có mối liên hệ giữa ông Abe và tổ chức tôn giáo. Tôi nhất định phải giết ông ấy" - các nguồn tin dẫn lời Yamagami cho biết.

Vụ ám sát ông Abe Shinzo: Nghi phạm khai thêm những gì? - Ảnh 1.

Nghi phạm Yamagami Tetsuya được áp giải rời đồn cảnh sát ở thành phố Nara, Nhật Bản ngày 10-7. Ảnh: Reuters

Các nhà điều tra cho biết vụ việc xuất phát từ mối hận thù của Yamagami với Giáo hội Thống nhất – tổ chức tôn giáo mà mẹ của nghi phạm là thành viên.

Mẹ nghi phạm tin và đi theo tôn giáo này từ khoảng năm 2000. Nghi phạm cho biết mẹ mình đã đóng góp khoản tiền "khổng lồ" cho tổ chức tôn giáo trên, khiến gia đình khánh kiệt.

Theo các nguồn tin từ cảnh sát tỉnh Nara (nơi ông Abe bị ám sát), Yamagami khai rằng y có ác cảm và có mong muốn "trừng phạt" Giáo hội Thống nhất.

Cảnh sát tỉnh Nara đang thu thập thêm bằng chứng để chứng minh hành vi giết người đã được tính toán từ lâu.

Yamagami cho biết đã nhiều lần tìm kiếm cơ hội để tiếp cận cố Thủ tướng Abe và ban đầu dự tính sử dụng chất nổ nhưng cuối cùng đã chọn sử dụng súng, vì chỉ có một mục tiêu duy nhất là ông Abe.

Theo các nguồn tin, Yamagami khai rằng "không sử dụng chất nổ để tránh giết những người không liên quan", súng dễ giết một người với độ chính xác cao hơn.

Vụ ám sát ông Abe Shinzo: Nghi phạm khai thêm những gì? - Ảnh 2.

Nghi lễ tưởng niệm và viếng cố Thủ tướng Abe bắt đầu được tổ chức từ 18 giờ ngày 11-7 tại chùa Zojo, Tokyo. Ảnh: Nikkei

Theo các nguồn tin thân cận của cuộc điều tra, khẩu súng tự chế được thu giữ tại hiện trường dài khoảng 40 cm và cao 20 cm. Cảnh sát cũng tìm thấy những khẩu súng tương tự tại nhà nghi phạm.

Yamagami bắt đầu tự chế tạo vũ khí để tiến hành vụ ám sát từ năm 2021. Cảnh sát tỉnh Nara cho biết có vẻ nghi phạm đã học cách chế tạo súng thông qua YouTube, mua các bộ phận trên mạng và chế xong vào khoảng mùa xuân năm nay.

Được cấu tạo từ hai ống kim loại được cố định lại với nhau bằng băng dính và đạn có thể bắn ra từ cả hai ống, vũ khí mà nghi phạm chế tạo có thể so sánh với một khẩu súng ngắn.

Cảnh sát tin rằng nghi phạm có thể đã tập bắn thử ở một vùng núi gần TP Nara. Một ngày trước khi xảy ra vụ ám sát, Yamagami đã thử nghiệm khẩu súng của mình bằng cách bắn vào một cơ sở của Giáo hội Thống nhất ở Nara. Ít nhất 7 dấu vết bắn bằng súng đã được tìm thấy trong tòa nhà liền kề với tòa nhà đặt cơ sở của Giáo hội Thống nhất, theo báo Asahi.

Tổ chức Giáo hội Thống nhất cho biết họ không có ghi chép về Yamagami và ông Abe chưa từng tham gia hoặc đóng bất cứ vai trò nào với giáo hội này. Ông Tanaka Tomihiro, chủ tịch Giáo hội Thống nhất chi nhánh Nhật Bản từ chối bình luận về các khoản quyên góp của mẹ nghi phạm.

Ngày 12-7, lễ tưởng niệm được tổ chức tại nhiều tỉnh thành tại Nhật Bản, trong đó lễ tang có quy mô lớn hơn sẽ được tổ chức đồng thời tại Tokyo cũng như tại quê nhà của cố Thủ tướng Abe Shinzo . Ngày hôm trước, nghi lễ tưởng niệm và viếng cố Thủ tướng Abe đã bắt đầu được tổ chức từ 18 giờ ngày 11-7 (theo giờ địa phương) tại đền Zojo, Tokyo.

Nhiều nước đã cử phái đoàn đến viếng, ngoài ra ban tổ chức cũng sẽ bố trí khu vực để người dân có thể thắp hương và dâng hoa chia buồn cùng gia đình ông.

Chính phủ Nhật Bản tặng Huân chương Hoa cúc - huân chương cao quý nhất của Nhật Bản cho cố Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Abe là người thứ tư được nhận huân chương này kể từ sau thế chiến thứ hai.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...