A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế khó của Hungary trong vụ Ukraina chặn dòng dầu Nga

Ngoài đường ống dẫn dầu qua Ukraina, Hungary có rất ít phương án để nhập khẩu dầu.

Thế khó của Hungary trong vụ Ukraina chặn dòng dầu Nga

Một cơ sở sản xuất dầu của công ty Hungary MOL. Ảnh: MOL

Hungary và Slovakia dọa đưa Ukraina ra tòa vì chặn dầu của nhà sản xuất Nga Lukoil đi qua đường ống Druzhba (Hữu nghị) - tuyến đường cuối cùng để dầu thô của Nga đến châu Âu.

Hungary và Slovakia cùng với Cộng hòa Czech là 3 quốc gia thành viên được miễn trừ thực thi lệnh cấm vận của EU với dầu của Nga vì phụ thuộc vào nguồn cung này và có ít phương án thay thế.

Do đó, Nga tiếp tục vận chuyển khoảng 300.000 thùng dầu/ngày - tương đương khoảng 0,3% nguồn cung toàn cầu - đến Đông Âu qua nhánh phía nam của Druzhba.

Tuyến Druzhba phía nam kết nối các mỏ dầu của Nga với các nhà máy lọc dầu của công ty MOL ở Hungary và Slovakia, PKN Orlen ở Cộng hòa Czech.

Đường ống dẫn dầu này đi qua Belarus và Ukraina trước khi rẽ nhánh sang Slovakia và Hungary.

Theo Reuters, hoạt động xuất khẩu dầu qua đường ống Druzhba đã bị đình chỉ nhiều lần trong năm ngoái do mối quan hệ phức tạp giữa các nhà cung cấp, công ty đường ống và người mua.

Năm 2022, nguồn cung dầu dừng lại trong thời gian ngắn do lệnh trừng phạt khiến công ty Transneft của Nga không thể trả phí vận chuyển.

Nhà cung cấp Ukrtransnafta của Ukraina đã tăng phí vận chuyển dầu nhiều lần trong năm 2022 và 2023.

Nguồn tin trong ngành dầu khí Nga cho biết, phí cao hơn khiến đường ống dẫn dầu Druzhba trở thành một trong những tuyến ít lợi nhuận nhất.

Công ty dầu mỏ tư nhân Lukoil cung cấp khoảng 50% lượng dầu được vận chuyển đến tuyến phía nam Druzhba. Tháng 6.2024, Ukraina áp đặt lệnh trừng phạt với Lukoil, khiến công ty không thể vận chuyển dầu qua đường ống dẫn dầu này.

Hungary và Slovakia là những quốc gia không giáp biển, dẫn tới hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dầu thay thế. Điều này cũng được chính Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thừa nhận.

"Để mua dầu hoặc khí đốt từ các nguồn khác nhau, cần có đường ống, cơ sở hạ tầng đã xây dựng sẵn. Nếu không có và không ai giúp chúng tôi có được cơ sở hạ tầng đó, chúng tôi không thể có được sự tự do như khi đa dạng hóa nguồn cung" - Ngoại trưởng Szijjarto nói.

Slovnaft - nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của công ty Hungary MOL tại Slovakia. Ảnh: MOL

Slovnaft - nhà máy lọc dầu của công ty Hungary MOL tại Slovakia. Ảnh: MOL

Reuters chỉ ra, ngoài đường ống dẫn dầu qua Ukraina, Hungary có thể nhập khẩu dầu từ cảng Omisalj ở Croatia. Từ tháng 4, MOL đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn dầu mỗi tháng (120.000 thùng/ngày) qua Croatia.

Và sau khi Ukraina chặn đường ống dẫn dầu của Nga, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông tin, Bulgaria đã đề nghị hỗ trợ cung cấp dầu cho Hungary.

"Đồng nghiệp Bulgaria của tôi (Ngoại trưởng Dimitar Glavchev - PV) đã đề nghị hỗ trợ khắc phục những khó khăn liên quan đến lệnh cấm vận chuyển dầu qua Ukraina", ông Szijjarto tiết lộ.

"Là người bạn thực sự và là quốc gia trung chuyển đáng tin cậy, Bulgaria tạo điều kiện đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng của Hungary. Năm ngoái, 5,6 tỉ m3 khí đốt đã được cung cấp cho Hungary qua Bulgaria. Năm nay, chúng tôi đã mua 3,9 tỉ m3 khí đốt" - Ngoại trưởng Hungary lưu ý.

Trong khi đó, Slovakia chỉ có thể nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn dầu nối với Hungary với lượng nhập không đủ bù đắp cho dầu của ​​Nga.

Khoảng 30% lượng dầu mà Slovnaft - nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của MOL tại Slovakia - chế biến năm 2023 là dầu không phải của Nga, mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Ukraina cũng phụ thuộc vào Hungary và Slovakia về năng lượng. Hai nước này cung cấp nhiên liệu và điện sản xuất từ ​​nguồn tài nguyên của Nga cho Ukraina. Hungary cung cấp 42% lượng điện nhập khẩu của Ukraina trong tháng 6.2024.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết