A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày càng nhiều nhà máy thép châu Âu đóng cửa vì khủng hoảng năng lượng

Giữa bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng leo thang, nhiều nhà máy thép tại châu Âu không thể tiếp tục hoạt động hoặc buộc phải cắt giảm quy mô sản xuất.

Châu Âu hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng. Các động thái cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đã gây ra nhiều thiệt hại cho châu Âu. Với giá năng lượng ngày càng tăng, nhiều nhà máy không thể tiếp tục hoạt động. Ngày càng nhiều nhà sản xuất thép châu Âu đang giảm bớt quy mô hoặc đóng cửa nhà máy sản xuất vì đà tăng mạnh của giá năng lượng.

Trước đó, vào đầu tháng 8, nhà máy Aperam của Bỉ đã đóng cửa cơ sở ở Genk. Ngay sau đó, họ giảm sản lượng tại nhà máy Chatelet của mình.

Gần đây hơn, công ty Acrinox của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng và đưa khoảng 85% nhân viên vào làm việc thời vụ. Rõ ràng, mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào các nhà sản xuất lớn khác của châu Âu, nhiều nhà sản xuất trong số họ có nhiều động lực để cắt giảm sản lượng và vận hành.

Trong khi đó, ArcelorMittal, hãng sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, cũng thông báo đóng cửa nhà máy ở châu Âu do giá khí đốt và năng lượng tăng cao.

ArcelorMittal sẽ đóng cửa một trong hai lò cao của mình tại địa điểm luyện thép ở Bremen, Đức, từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân là do giá năng lượng nhảy vọt, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua. Giá năng lượng tăng cao đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ.

Theo ước tính, đến nay, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể làm giảm công suất của các hãng thép châu Âu bớt 3 triệu tấn/năm.

Tác động trên diện rộng

Không riêng gì ngành thép, cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động ngày càng rộng tới nhiều ngành công nghiệp.

Khoảng 60% nhà máy ở Anh có nguy cơ cao phải đóng cửa khi hoá đơn năng lượng trên toàn quốc tiếp tục tăng vọt, theo một cuộc thăm dò do MakeUK - nhóm vận động hành lang cho các nhà máy Anh thực hiện. Theo MakeUK, gần một nửa số nhà máy ở Anh đã ghi nhận tình trạng hóa đơn tiền điện tăng hơn 100% trong năm qua. 13% nhà máy đã giảm giờ hoạt động hoặc tránh giờ cao điểm, 7% tạm dừng sản xuất trong thời gian dài hơn.

“Cuộc khủng hoảng hiện tại đang khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn, Cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn nếu không được hỗ trợ sớm”, MakeUK nhận định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...