Nga cần tăng thuế để bù đắp cho chi tiêu quân sự
Nga sẽ phải tăng thuế nhiều hơn nữa để duy trì chiến sự với Ukraine. Theo các chuyên gia phân tích thuộc Reuters, các biện pháp đã công bố để tăng doanh thu sẽ không đủ để tài trợ cho chi tiêu quân sự đang tăng nhanh của nước này.
Dự thảo ngân sách của Nga cho năm 2025 phân bổ khoảng một phần ba tổng chi tiêu, hay 6,3% GDP, cho nhu cầu quân sự, mức cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Lần đầu tiên, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng sẽ cao gấp đôi chi tiêu xã hội.
Nhà kinh tế Sergei Aleksashenko, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, cho biết: "Ngân sách năm 2025 cho thấy nước này buộc phải cắt giảm chi tiêu ở hầu hết mọi lĩnh vực để tài trợ cho cuộc chiến".
Chính phủ đã bắt đầu tăng thuế để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã kéo dài sang năm thứ ba. Một cuộc cải cách thuế lớn dự kiến sẽ mang lại thêm 1,7% GDP vào năm 2025. Các nhà kinh tế cho rằng như vậy là chưa đủ.
"Việc điều chỉnh thuế trong nước sẽ vẫn là trọng tâm thường trực của các cơ quan chức năng. Có thể vào năm 2025, chúng ta sẽ thấy nhiều sáng kiến sửa đổi luật và quy định về thuế", Alexei Klimyuk từ Alfa Wealth cho biết.
Giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, dự kiến sẽ giảm, cũng đang "phủ bóng đen" lên tình hình tài chính của đất nước. Dự thảo ngân sách dự đoán giá dầu sẽ giảm từ mức trung bình 70 USD/thùng vào năm 2024 xuống còn 65,5 USD/thùng vào năm 2027, điều này sẽ gây tổn hại đến doanh thu của chính phủ.
Nền kinh tế Nga đã duy trì khá tốt kể từ khi chiến tranh nổ ra, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bắt đầu từ năm 2025, việc tăng thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, cũng như một loại thuế mới đối với việc tái chế ô tô và một số sáng kiến thuế nhỏ hơn dự kiến sẽ mang lại 14,7 nghìn tỷ rúp trong ba năm.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết năm ngoái rằng không có chỗ để tăng chi tiêu và cảnh báo rằng nếu không được kiểm soát, gánh nặng sẽ đè nặng lên người dân và doanh nghiệp Nga thông qua lạm phát hoặc thuế suất cao hơn.
Cả hai lựa chọn đều đã xảy ra. Lạm phát cao gấp đôi mục tiêu của ngân hàng trung ương và lãi suất chủ chốt là 21%, mức cao nhất kể từ những năm đầu tiên Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền.
Lê Na (Theo RBC)