A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỹ xả kho dự trữ để “cứu” giá dầu, kinh tế Nga “khoẻ không tưởng”

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 26-7 cho biết họ sẽ bán thêm 20 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) như một phần của kế hoạch khai thác cơ sở này nhằm hạ nhiệt giá dầu.

Từ cuối tháng 3, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ giải phóng một triệu thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng từ SPR ở bờ biển bang Louisiana và Texas. Mỹ đã bán 125 triệu thùng từ kho dự trữ với gần 70 triệu thùng đã được giao cho bên mua.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Năng lượng cho biết Mỹ sẽ đấu thầu vào mùa thu để bắt đầu quy trình mua lại 60 triệu thùng dầu thô để dự trữ, bước đầu tiên trong việc bổ sung kho dự trữ sau khi giải phóng 180 triệu thùng. Một quan chức cho rằng việc mua dầu để bổ sung cho SPR sẽ không cạnh tranh với nhu cầu về dầu trong thời gian tới vì quy trình này dự kiến diễn ra sau tài khoá 2023.

Mỹ xả kho dự trữ để “cứu” giá dầu, kinh tế Nga “khoẻ không tưởng” - Ảnh 1.

Kho dự trữ dầu chiến lược Cushing tại Oklahoma - Mỹ. Ảnh Reuters

Giá dầu thế giới đã giảm hôm 26-7 do SPR bán dầu và người tiêu dùng lo ngại về lạm phát và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất. Giá dầu Brent trong phiên giao dịch hôm 26-7 ở mức 104,40 USD/thùng.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết mặc dù phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế Nga dường như đang vượt qua "cơn bão" tốt hơn dự kiến ​​vì hưởng lợi từ giá năng lượng tăng cao.

Các biện pháp trừng phạt nhằm loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và cắt nguồn vốn dành cho Moscow để tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng ước tính GDP của Nga trong năm nay lên 2,5 điểm phần trăm dù nền kinh tế nước này dự kiến ​​vẫn giảm 6%.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho rằng lý do chính khiến cuộc suy thoái không tồi tệ như dự báo là do ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách của Nga đã có thể ngăn chặn khủng hoảng tài chính khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Trong khi đó, giá năng lượng tăng đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế Nga.

Sau khi ở mức dưới 80 USD/thùng hồi đầu năm, giá dầu đã tăng vọt lên gần 129 USD vào tháng 3 trước khi giảm trở lại dưới 105 USD hôm 26-7 trong khi giá khí đốt tự nhiên đang tăng trở lại và đạt mức đỉnh gần đây. Trong khi các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ và Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, báo cáo IMF cho biết nền kinh tế Nga ước tính đã thu hẹp trong quý 2/2022 ít hơn so với dự kiến ​​trước đó nhờ xuất khẩu dầu thô và phi năng lượng tăng tốt hơn dự báo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...