A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hồi phục tốt hơn dự kiến

Trong báo cáo cập nhật tháng 6-2024, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) trong năm 2024 đã tăng 0,2 điểm phần trăm, lên mức 2,6%, so với dự báo hồi tháng 1-2024, phản ánh sự hồi phục tốt hơn của nền kinh tế toàn cầu. Lạm phát cũng được điều chỉnh giảm từ mức 3,7% xuống mức 3,5%.

Tuy nhiên sự hồi phục không diễn ra đồng đều ở các khu vực mà vẫn tập trung ở Mỹ, châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi chiều ngược lại, các quốc gia ở châu Mỹ Latinh, châu Phi lại chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự báo đầu năm.

Các khảo sát quốc tế cho thấy chỉ có 15% gia tộc kinh doanh ở Việt Nam và châu Á chuẩn bị kỹ càng cho kịch bản chuyển giao quyền lực điều hành và phát triển sản nghiệp gia đình.

WB dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở mức 4,8%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 1, chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của Trung Quốc và sự tăng trưởng trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của các quốc gia còn lại.

Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP mạnh hơn dự báo ban đầu, chủ yếu nhờ vào sự phục hồi trong xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trong quí 1-2024 đã tăng 7,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức 5% dự báo trước đó, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nhờ vào nhu cầu toàn cầu gia tăng và sự cải thiện trong chuỗi cung ứng.

Tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc cũng tăng mạnh nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ và sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng. Cụ thể, bán lẻ tại Trung Quốc đã tăng 10,5% so với cùng kỳ. Các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất và tăng cường đầu tư công, đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Campuchia cũng đã chứng kiến sự phục hồi trong xuất khẩu và du lịch quốc tế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế tổng thể của khu vực.

Theo WB, mặc dù lạm phát đang trong xu hướng giảm dần nhưng đây vẫn là một thách thức cần được các ngân hàng trung ương khu vực châu Á – Thái Bình Dương quản lý cẩn thận.

Dự báo cho nửa cuối năm 2024 cho thấy lạm phát tiêu dùng trong khu vực sẽ duy trì ở mức ổn định hoặc giảm nhẹ nhờ giá hàng hóa giảm và công suất dự phòng vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, giá dầu tăng trong đầu năm 2024 có thể gây áp lực tăng lạm phát ở một số quốc gia trong khu vực. Sự biến động của giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu, có thể làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển, từ đó ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng.

Ngoài ra, các căng thẳng địa chính trị và chiến tranh thương mại vẫn là những rủi ro hiện hữu có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và dẫn đến sự biến động của giá hàng hóa toàn cầu nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Khác với các quốc gia phát triển vốn đang thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát, phần lớn các quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dư địa cho chính sách tiền tệ đang ngày càng hạn hẹp khi các ngân hàng trung ương phải cân nhắc chính sách tiền tệ thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao và các quốc gia phát triển sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn (higher-for-longer). Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ không thể tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2025-2026, tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến giảm xuống 4,2% vào năm 2025 và 4,1% vào năm 2026, khi hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục chậm lại, làm giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế của khu vực, Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn trong cả đầu tư và tiêu dùng. Sự tăng trưởng của đầu tư vào bất động sản tiếp tục suy yếu, với mức đầu tư vào bất động sản dân cư giảm mạnh nhất trong gần hai thập niên qua. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng. Trong khi, chỉ số lòng tin tiêu dùng vẫn ở mức yếu kém, ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và hoạt động kinh tế tổng thể.

Chính vì vậy, sự phục hồi của Trung Quốc, dẫn dắt bởi hoạt động đầu tư công, sự hồi phục của xuất khẩu và thương mại, và khả năng kích thích tiêu dùng trong nước sẽ là những yếu tố cần quan sát thêm cho triển vọng kinh tế của khu vực trong trung hạn.

WB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam là 5,5% trong báo cáo cập nhật tháng 6. Mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn mục tiêu đề ra của Quốc hội là từ 6-6,5% nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân khu vực châu Á. Tăng trưởng của Việt Nam đến từ sự phục hồi của thương mại hàng hóa toàn cầu, lạm phát được kiểm soát và đầu tư công.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...