A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàn Quốc ký thỏa thuận hạt nhân 2,2 tỉ USD với Nga

Hàn Quốc ký thỏa thuận hạt nhân 2,2 tỉ USD với Nga, khẳng định không mâu thuẫn với chính sách trừng phạt của Mỹ.

Hàn Quốc ký thỏa thuận hạt nhân 2,2 tỉ USD với Nga

Người đứng đầu Rosatom Alexey Likhachev và Bộ trưởng Bộ Điện lực Ai Cập Mohamed Shaker đến thăm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa, tháng 7.2021. Ảnh: Rosatom

RT dẫn lời giới chức Hàn Quốc cho biết, Seoul đã đạt được thỏa thuận trị giá 3 nghìn tỉ won (2,25 tỉ USD) với tập đoàn hạt nhân nhà nước Nga Rosatom để cung cấp các thành phần và xây dựng các tòa nhà tuabin cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập.

Theo thông báo của Bộ Năng lượng Hàn Quốc, Công ty Điện hạt nhân và Thủy điện thuộc sở hữu nhà nước của Hàn Quốc đã giành được hợp đồng cung cấp vật liệu và thiết bị cho dự án nhà máy điện hạt nhân El Dabaa của Ai Cập.

Tháng trước, Rosatom khởi động xây dựng tại thị trấn ven biển Dabaa của Ai Cập, cách Cairo khoảng 130km. Cơ sở này dự kiến ​bao gồm bốn lò phản ứng với công suất 1,2 gigwatt mỗi lò.

Công ty Hàn Quốc đã được Atomstroyexport (ASE) của Nga - công ty con của Rosatom - ký hợp đồng phụ để cung cấp một số vật liệu và thiết bị, cũng như xây dựng các tòa nhà tuabin và các cấu trúc khác tại địa điểm này.

Các quan chức từ Văn phòng Tổng thống và Bộ Thương mại Hàn Quốc cho hay, Washington đã được tham vấn trước về hợp đồng để đảm bảo rằng các công nghệ do Seoul cung cấp sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Rosatom - một trong những công ty hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp hạt nhân - là một trong số ít các thực thể nhà nước của Nga không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hàn Quốc ca ngợi thỏa thuận này là một thắng lợi cho ngành công nghiệp điện hạt nhân của nước này.

AP dẫn lời ông Choi Sang-mok, một phụ tá cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, cho biết các cuộc đàm phán đã bị chậm lại do “những biến số không mong muốn”, chủ yếu là cuộc chiến của Nga ở Ukraina và chiến dịch trừng phạt Nga do Mỹ dẫn đầu. Theo ông Choi, Hàn Quốc và Mỹ sẽ duy trì tham vấn chặt chẽ khi công việc tiến hành. 

Là một phần của các biện pháp trừng phạt Nga, Hàn Quốc đã chấm dứt các giao dịch với ngân hàng trung ương và các quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, đồng thời cấm xuất khẩu các nguyên liệu chiến lược sang Nga.

Ông Choi nhấn mạnh, việc Hàn Quốc tham gia vào dự án sẽ không mâu thuẫn với các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga.

Các nhà máy điện hạt nhân, Kori 1 (phải) và Shin Kori 2 ở Ulsan, Hàn Quốc, tháng 2.2013. Ảnh: AP

Các nhà máy điện hạt nhân, Kori 1 (phải) và Shin Kori 2 ở Ulsan, Hàn Quốc, tháng 2.2013. Ảnh: AP

Văn phòng của Tổng thống Yoon Suk-yeol bày tỏ hy vọng rằng việc Hàn Quốc tham gia vào dự án Dabaa sẽ giúp nước này có chỗ đứng trong các dự án hạt nhân trong tương lai trên khắp Châu Phi, đồng thời cũng cải thiện cơ hội xuất khẩu sang các nước như Cộng hòa Czech, Ba Lan và Saudi Arabia.

Công ty Điện hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc đã tham gia đàm phán với ASE của Nga với tư cách là nhà thầu ưu tiên cho dự án liên quan đến tuabin kể từ tháng 12 năm 2021, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2 năm nay.

Go Myong-hyun, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết thỏa thuận sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận xuất khẩu của Mỹ vì các thành phần do công ty Hàn Quốc cung cấp có thể bao gồm công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ.

Theo ông Go, các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với Nga cũng không bao gồm các hạn chế cụ thể liên quan đến năng lượng hạt nhân và chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không quan tâm đến việc làm gián đoạn một dự án quan trọng đối với Ai Cập - nước mà Washington coi là đối tác quan trọng trong khu vực.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, dự án Dabaa là dự án xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân lớn nhất của Hàn Quốc kể từ năm 2009, khi một tập đoàn do Hàn Quốc đứng đầu giành được hợp đồng trị giá 20 tỉ USD để xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cam kết thúc đẩy xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân của Hàn Quốc. Chính phủ của ông Yoon đặt mục tiêu xuất khẩu 10 lò phản ứng điện hạt nhân vào năm 2030.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết