Đại sứ quán Mỹ tại Cuba nối lại hoạt động lãnh sự
Đại sứ quán Mỹ tại Cuba bắt đầu nối lại hoạt động xử lý thị thực nhập cư hạn chế sau hơn 4 năm tạm hoãn do cáo buộc về các cuộc tấn công sóng âm nhằm vào nhà ngoại giao của Mỹ tại đây.
Washington đã đóng cửa các dịch vụ lãnh sự của mình ở thủ đô Cuba vào năm 2017 sau khi các nhân viên Mỹ và gia đình của họ mắc căn bệnh bí ẩn được gọi là "Hội chứng Havana".
Một báo cáo của chính phủ Mỹ vào năm 2020 cho biết căn bệnh mà nhân viên và gia đình của họ mắc phải rất có thể là do tác động của năng lượng tần số vô tuyến có định hướng và dạng xung.
Một người đàn ông giấu tên cho biết: "Chúng tôi hy vọng mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Tôi đã đợi điều này suốt 3 năm để được tái hợp với con gái tôi. Tôi đã không gặp con bé trong 7 năm".
Một nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Havana. Ảnh: Reuters
Theo kênh Al Jazeera, động thái này diễn ra sau khi Mỹ tổ chức cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao nhất với Cuba vào cuối tháng trước. Mối quan hệ giữa hai nước đối mặt với sự sụp đổ nghiêm trọng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hồi tháng 3, Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu mở cửa lại "có giới hạn" và "dần dần" đối với Đại sứ quán và dịch vụ lãnh sự, đồng thời sẽ bắt đầu giải quyết một lượng lớn các đơn xin thị thực nhập cư của những người Cuba có gia đình ở Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ tại Cuba sẽ bắt đầu cấp thị thực IR-5, một loại thị thực dành cho người có ba hoặc mẹ là công dân Mỹ. Những người Cuba đã nộp đơn xin cấp thị thực IR-5 sau ngày 1-4 cho biết các cuộc phỏng vấn họ sẽ diễn ra tại Havana thay vì thủ đô Georgetown của Guyana.
Mối quan hệ vẫn căng thẳng giữa hai quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden về vấn đề di cư, các lệnh trừng phạt đang diễn ra của Mỹ đối với đảo quốc Caribe này. Cuba cũng đang yêu cầu Mỹ tuân theo một thỏa thuận nhập cư song phương cấp 20.000 thị thực Mỹ mỗi năm đến Cuba.
Cuba đang chứng kiến cuộc suy thoái kinh tế nặng nề nhất trong gần 30 năm, nguyên nhân phần lớn là do đại dịch Covid-19 và sự sụt giảm của ngành du lịch.