Sau 4 lần start-up, sếp Dh Foods thấm thía: Chọn sai sản phẩm để phát triển thì có thể sẽ mãi không lớn và như cây còi cọc sống lay lắt qua ngày!
Từ kinh nghiệm của bản thân, "ông trùm" gia vị Việt đã chỉ ra những điều cần lưu ý khi chọn sản phẩm khởi nghiệp, tránh rủi ro thất bại ở mức tối đa.
Tiếp tục chuỗi câu chuyện "Khởi nghiệp tuổi 50", mới đây ông Nguyễn Trung Dũng - CEO Dh Foods, đã có bài viết chia sẻ về cách chọn sản phẩm để khởi nghiệp.
"Ông trùm" gia vị cho biết, ông đã có 4 lần khởi nghiệp, chủ yếu trong ngành thực phẩm nên chỉ chia sẻ lĩnh vực thực phẩm, còn với các sản phẩm non-food hay dịch vụ thì không nêu ý kiến. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Dũng đã chỉ ra những điều cần lưu ý khi chọn sản phẩm để khởi nghiệp, tránh rủi ro thất bại ở mức tối đa.
1. Những năm đầu cần tồn tại được!
Theo ông Dũng, khi khởi nghiệp, điều đầu tiên chúng ta phải nghĩ đến sự tồn tại trong mấy năm đầu, sau đó mới nghĩ đến việc phát triển. Với các loại cây, trong 5-7 năm đầu, bộ rễ ăn vào đất nên thường phát triển rất chậm, sau 5 năm mới mọc được tầm 1m (ngay cả với những cây thuộc diện mọc nhanh như cây thông). Sau thời gian này, nếu bộ rễ đã phát triển đủ sâu, đủ rộng thì cây mới mọc nhanh, mỗi năm có thể tăng 1m, còn không thì cây sẽ còi cọc và sống lay lắt qua ngày...
"Với 'start-up' cũng vậy, thời gian đầu rất quan trọng, nếu chọn sai sản phẩm để phát triển thì có thể sẽ mãi không lớn và như cây còi cọc sống lay lắt qua ngày", ông Dũng cho biết.
2. Đừng nên đối đầu trực tiếp với "cá mập"
Ông Dũng tiếp tục chia sẻ, khi khởi nghiệp, nhiều người sẽ nghĩ tới việc chọn sản phẩm đang nổi tiếng, đang có thị trường lớn. Đúng là sản phẩm đang "hot", đang có thị trường lớn nghe có vẻ dễ thành công nhưng cũng có nhưng "cá mập" săn mồi rất lớn và bạn đang là con mồi của họ . Đừng thấy người khác đang kinh doanh tốt sản phẩm gì mà bắt chước. Hãy tránh xa các sản phẩm của các "cá mập" đang kinh doanh.
CEO Dh Foods kể về bài học xương máu: "Ngày trước, tôi đã mắc lỗi y như vậy, may kịp suy nghĩ lại, cũng mất mấy trăm triệu đồng. Hồi đó, số tiền này với tôi là rất lớn. Nếu bảo thủ, không dừng kịp thời thì chắc tôi đóng cửa 'start-up' từ lâu.
Năm đó, chúng tôi tung ra dòng sản phẩm ly (tô) phở ăn liền, cháo ăn liền, bún ăn liền. Mặc dù vắt phở và phôi cháo được sản xuất từ gạo thơm, gia vị được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên nhưng người tiêu dùng vẫn suy nghĩ đồ ăn liền là đồ rẻ tiền (một phần vì chưa có tiền làm truyền thông). Các siêu thị sau khi thử mẫu thì cho vào hàng vì chất lượng ngon hơn các đối thủ lúc đó trên thị trường (kể cả các đối thủ rất lớn).
Tuy nhiên họ chỉ chấp nhận giá cao hơn các đối thủ khác 'max' 20%, trong khi nguyên liệu sản xuất của Dh Foods hoàn toàn tự nhiên, vắt phôi từ gạo thơm, quy trình sản xuất bán thủ công... dẫn đến giá bán phải gấp đôi các đối thủ thì mới có lời".
Lúc đó, ông Dũng từng nghĩ chấp nhận bán giá cạnh tranh để lấy thị phần rồi tăng giá thời gian sau. Và doanh số đã tăng nhanh nhưng càng bán càng lỗ và tăng giá với siêu thị là điều không dễ dàng. Sau 2 năm - khi đã gồng lỗ đủ sức chịu đựng, ông Dũng bàn với đội ngũ và thống nhất: Dừng sản xuất và dừng bán sản phẩm.
Chọn sản phẩm quá ngách cũng là bài học xương máu mà ông Dũng từng mắc nhiều lần trong quá trình gây dựng sự nghiệp. Lý do đơn giản là bởi quá yêu thích, say mê một sản phẩm nào đó hay đôi khi chưa đủ kinh nghiệm để phân tích thị trường nên theo đuổi sản phẩm mà số lượng người mua quá ít.
Để giúp mọi người dễ dàng hình dung, ông Dũng đã nêu một ví dụ về khoai tây nghiền ăn liền. Trong một lần đi triển lãm, một số công ty châu Âu cho thử mẫu sản phẩm khoai tây ăn nghiền rất ngon, ai thử cũng thích. Sản phẩm này không xa lạ với ông Dũng vì ông đã có thời gian dài sống ở Ba Lan. Ông đã đưa ra ý tưởng sản xuất ly/ tô khoai tây nghiền ăn liền với các vị phô mai, thịt xông khói và rong biển.
Ông tự thấy ý tưởng của mình khá độc đáo, sáng tạo. Ngay sau đó, bột khoai nghiền ăn liền được một số công ty nhập về, đối tác gia công trộn với gia vị và các loại topping rồi đóng ly. Nhiều người dùng thử sản phẩm và team của ông Dũng khấp khởi mừng thầm, mong đợi sớm được "hốt bạc".
CEO Dh Foods bùi ngùi: "Tuy nhiên, khi làm 'sampling' thì bán được, còn sau đó hàng đứng im trên kệ. Chỉ thỉnh thoảng có cửa hàng bỗng nhiên bán được hết sạch, hoá ra do có một khách hàng nào đó đã từng du học ở châu Âu vào hốt sạch kệ. Sau khoảng thời gian sản phẩm lay lắt trên kệ, chúng tôi quyết định dừng sản xuất sản phẩm ly ăn liền (cùng thời điểm với dòng ly phở, bún, cháo...)
Đối tác gia công còn phản đối vì thấy vẫn đang bán tốt. Nhưng buồn cười hơn là một loạt các 'ông lớn' trong ngành mì ăn liền cũng tung ra sản phẩm ly/tô khoai tây nghiền ăn liền (chắc do các sếp đều du học ở Đông Âu về), chỉ có mỗi AceCook là không tung ra sản phẩm này".
"Các bạn thấy đấy, cả các tập đoàn lớn cũng thất bại với sản phẩm khi nó quá mới đối với người tiêu dùng, chứ nói gì đến 'start-up' nhỏ. Bài học rút ra là hãy tránh xa các sản phẩm quá mới lạ với người tiêu dùng Việt Nam, có thể ai đó thành công với sản phẩm nào đó nhưng xác suất thất bại là rất cao", ông Dũng đưa ra lời khuyên chân thành.
CEO Dh Foods đưa ra lời khuyên dành cho các "starrt-up": "Khi mới khởi nghiệp, vốn liếng còn rất ít nên hãy thận trọng và thật tiết kiệm. Theo tôi, tốt nhất bạn chọn sản phẩm đã có tiếng ở địa phương, đã có tiếng trên kênh online nhưng chưa có thương hiệu dẫn đầu, chưa được sản xuất bài bản, hay có quy mô công nghiệp.
Sản phẩm nào mà bạn không cần phải giải thích với mỗi người tiêu dùng: Đây là cái gì? Ăn thế nào? Và tốt hơn nữa, bạn hãy chọn sản phẩm mà bạn có thế mạnh, chẳng hạn như sản phẩm địa phương nơi bạn lớn lên, nơi bạn có thể dễ dàng tìm đối tác gia công.
Hãy tìm 1 đối tác địa phương uy tín, coi trọng chữ tín, coi trọng chất lượng. Họ gia công, còn bạn tập trung vào bao bì sản phẩm, tìm kênh phân phối trên cả nước, phát triển mảng Marketing".
Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, ban đầu, các "starrt-up" nên sử dụng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội vì chi phí thấp và dễ tiếp cận những người tiêu dùng trẻ. Người mới khởi nghiệp đừng vội mà cần tính giá thành cẩn thận, đừng tiếc tiền cho bao bì để sản phẩm đẹp và tiện lợi hơn.
Đối với đội ngũ nhân sự, các "start-up" cũng nên xây dựng từ từ, chọn các bạn trẻ cùng suy nghĩ, cùng chí hướng và quan trọng nữa là cùng kiên trì, chăm chỉ, không tham lam ban đầu. "Nếu bạn có sản phẩm tốt, không có thương hiệu mạnh cạnh tranh, bạn làm bao bì đẹp, tiện lợi, xây dựng hệ thống phân phối tốt thì khả năng thành công rất cao. Các siêu thị hay đại lý sẽ dễ chấp nhận phân phối sản phẩm của bạn hơn. Người tiêu dùng khi nhìn thấy sản phẩm của bạn dễ nhận biết, đồng thời tò mò, thích thú vì bao bì đẹp, tiện lợi", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng khuyên nhủ những người mới khởi nghiệp cần bình tĩnh, từ từ phát triển nhé, không nên đốt cháy giai đoạn. Với các bí quyết trên sẽ giúp "start-up" có khả năng tồn tại trên thị trường rất cao. Về sau, công ty phát triển như thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Một trong những yếu tố đó là tận dụng cơ hội làm truyền thông.
Nguồn: Facebook Trung Dung Nguyen