A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phúc Long xem xét đổi thực đơn nửa cuối năm nay, lên kế hoạch "xuất ngoại" vào 2024 hoặc 2025

Doanh nghiệp còn bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, hứa hẹn mang lại cho khách hàng nhiều lợi ích hơn.

 

Phúc Long xem xét đổi thực đơn nửa cuối năm nay, lên kế hoạch "xuất ngoại" vào 2024 hoặc 2025 - Ảnh 1.

Khép lại năm 2022 chưa đạt được mức doanh thu 2.000 - 3.000 tỷ đồng như kế hoạch trước đó đề ra, hệ thống trà, cà phê,... Phúc Long cán đích với 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA).

Đóng góp chính vào kết quả này là từ các cửa hàng flagship. Trong năm 2022, PLH đã khai trương 44 cửa hàng flagship, nâng số cửa hàng (flagship và mini) đến cuối 2022 lên con số 132, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại và thu hẹp khoảng cách đáng kể so với các thương hiệu F&B khác.

Điều đáng ghi nhận là 44 cửa hàng flagship mở mới trong năm 2022 của PLH có biên lợi nhuận EBITDA cấp cửa hàng là 26%, đây là một mức lợi nhuận khá tốt khi so sánh với các doanh nghiệp F&B cùng ngành.

Tổng cộng, doanh thu các cửa hàng flagship đóng góp trong năm 2022 cho Phúc Long là 1.153 tỷ đồng và 332 tỷ đồng EBITDA.

Bước sang năm 2023, các cửa hàng flagship đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ khi Phúc Long đạt con số kỷ lục vào quý 4/2022: mở 23 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini, nâng tổng số cửa hàng flagship lên 111 và tổng số cửa hàng mini lên 21.

PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.

Các biện pháp được doanh nghiệp đưa ra để nhằm hoàn thành mục tiêu về doanh số trong năm nay:

- Bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.

- Xem xét đổi mới thực đơn trong nửa cuối năm để mang đến cho người tiêu dùng các món thức uống chủ đạo tươi mới, thú vị hơn.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, CEO mới của Phúc Long với bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.

Theo thông tin đăng ký kinh doanh thay đổi lần gần nhất, Tổng Giám đốc của Phúc Long Heritage là ông Trương Công Thắng (sinh năm 1973) thay cho ông Lâm Bội Minh - cha đẻ của thương hiệu này.

Ông Trương Công Thắng có trình độ chuyên môn là cử nhân kinh tế tại đại học Kinh tế Quốc dân và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các công ty thuộc Masan Group nhiều năm nay.

Ông Thắng được xem là người có công đưa Masan Consumer trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất nhì thị trường hàng tiêu dùng nhanh, gây ấn tượng với các dòng sản phẩm chính là gia vị (thương hiệu Chinsu, Tam Thái Tử, Nam Ngư...), mì ăn liền (thương hiệu Kokomi và Omachi) và đồ uống (Vĩnh Hảo, Vinacafé).

Hiện nay, ông Trương Công Thắng là người đại diện theo pháp luật của các Công ty CP The Crown X, Công ty CP The Crownx (NT), Công ty TNHH Masanconsumerholdings.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...