Nhiều nhà máy chế biến hải sản có thể đóng cửa do thiếu nguyên liệu
Theo Tổng Thư ký VASEP, giá xăng dầu tăng cao là một yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.
Hải sản (khai thác từ biển) là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) VASEP, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 553 triệu USD, tăng 56%; cá biển khác đạt gần 950 triệu USD, tăng 12%; nhuyễn thể đạt 400 triệu USD, tăng 20,5% và cua ghẹ, giáp xác khác đạt hơn 100 triệu USD, tăng 40,8%.
Tuy nhiên, theo dự báo của chuyên gia VASEP, tốc tăng trưởng này có thể chậm lại trong 6 tháng cuối năm do nhà máy chế biến hải sản bị giảm 60-90% nguyên liệu thu mua trong nước và không bù đắp được từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hàng trăm nhà máy phụ thuộc 100% nguyên liệu trong nước sẽ phải đóng cửa trong 3-6 tháng tới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết giá xăng dầu tăng cao là một yếu tố ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm. Giá dầu diesel tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác của ngư dân vùng biển. Với chi phí hơn 1,5 tỷ đồng/chuyến, ngư dân không dám ra khơi vì thua lỗ, còn nhà máy thủy sản cũng không có nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc CTCP Chế biến Xuất nhập khẩu Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 5.800 tàu khai thác thì đã có 4.000 tàu cá nằm bờ. Trước kia, nhiên liệu xăng dầu chỉ chiếm 40-50% tổng chi phí chuyến biển thì nay đã tăng lên 75-85%. Trải qua 12 đợt tăng giá trong 6 tháng đầu năm, tàu cá thua lỗ, các nhà máy chế biến thủy sản nhỏ và vừa không có nguyên liệu nên đã ngừng sản xuất. Riêng Baseafood, nguồn nguyên liệu hải sản cho chế biến đã giảm 80-90% cuối năm trước. Các doanh nghiệp lớn hơn muốn tồn tại buộc phải tìm nguồn nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia… hoặc gia công cho đối tác nước ngoài.
Theo đại diện của CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex), thiếu nguyên liệu doanh nghiệp phải tiết giảm tối đa các khoản chi phí, đồng thời phải tìm kiếm nguồn cung thay thế ở các tỉnh khác như Cà Mau, Kiên Giang… nhưng vẫn không đủ. Doanh nghiệp muốn nhập khẩu cũng không dễ vì thuế nhập khẩu cao hơn so với Thái Lan, Indonesia, vấn đề C/O (quy tắc xuất xứ hàng hóa)…
Mới đây, VASEP cũng cho biết, các doanh nghiệp phải nhập khẩu hơn 80% nguyên liệu cá ngừ từ các nước chưa có FTA với Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA để cạnh tranh so với các thị trường nguồn cung khác.