Lợi nhuận quý 3 ngành ô tô chưa thể tìm lại ánh hào quang?
Dù lãi ròng quý 3 các doanh nghiệp ô tô trên sàn tăng bằng lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không đáng kể so với 2 năm trước - giai đoạn nền kinh tế hưởng lãi suất thấp, giảm lệ phí trước bạ và chưa thắt chặt chi tiêu như hiện nay.
Quý 3, những cái tên “nổi cộm” trong mảng phân phối ô tô như SVC, CTF, HAX, VEA đều đạt doanh thu tăng trưởng hai con số dù thời gian hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ chỉ mới bắt đầu từ tháng 9, cho thấy sự khởi sắc nhất định đối với ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu này.
Tuy nhiên, lợi nhuận cuối cùng của mỗi doanh nghiệp vẫn ở mức thấp dù đa số tăng bằng lần so với cùng kỳ, chủ yếu do gánh nặng chi phí.
Lợi nhuận tuột khỏi tay cổ đông công ty mẹ
Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (HOSE: SVC) thừa nhận tình hình kinh doanh thị trường ô tô quý 3 năm nay tốt hơn cùng kỳ. Với doanh thu gần 6.8 ngàn tỷ đồng, tăng 35%, SVC kiếm được nhiều nhất kể từ khi chính thức về tay Tasco cách đây 1 năm. Thế nhưng Công ty chỉ thu 6.1 tỷ đồng lãi ròng, rất thấp nếu so với hàng chục tỷ đồng của những năm trước, do hầu hết chi phí tăng hai con số.
Kết quả thuận lợi hơn cùng kỳ nhờ SVC tăng thu từ hoạt động tài chính, lũy kế 9 tháng xấp xỉ 120 tỷ đồng, gấp 6 lần số cùng giai đoạn. Việc nhận thêm 315 tỷ đồng vốn góp từ cổ đông thiểu số hồi đầu năm, là lời giải thích tại sao lãi ròng liên tiếp “chảy” về túi nhóm cổ đông này trong 2 quý gần đây, chứ không phải là cổ đông công ty mẹ SVC.
Dần hụt hơi
Tương tự, đơn vị phân phối xe Ford và Huyndai City Auto (HOSE: CTF) báo doanh thu tăng 23%, đạt hơn 2 ngàn tỷ đồng, một mức cao trong nhiều năm nhưng lại cho rằng việc giảm lệ phí trước bạ chưa tác động lớn đến kết quả này do mới áp dụng từ tháng 9.
Bán hàng khả quan nhưng CTF đang gặp khó trong việc mang lợi nhuận về cho cổ đông công ty mẹ khi lãi ròng vỏn vẹn 2 tỷ đồng, hụt hơi dần từ con số vài chục tỷ 2 năm trước. Cấu trúc chi phí ngày một gia tăng làm thu hẹp đáng kể lợi nhuận vốn dĩ đã rất thấp của doanh nghiệp này.
Ảm đạm toàn tập
Duy nhất Ô tô TMT (HOSE: TMT) giảm mạnh doanh thu, kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ lớn quý thứ 2 liên tiếp, lần này 93 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lỗ ròng 192 tỷ đồng.
Chủ thương hiệu xe tải TMT đang trải qua thời kỳ khó khăn hơn bao giờ hết, từ khách quan của nền kinh tế cho đến cấu trúc tài chính thiếu hợp lý của doanh nghiệp khiến lãnh đạo đã phải “mạnh tay bán hàng để cắt lỗ” đối với lượng lớn tồn kho nhằm “chuẩn bị cho chu kỳ hoạt động kinh doanh mới”. Thậm chí, doanh nghiệp lắp ráp xe tải đã phải mở rộng sang phân phối thêm dòng xe điện cỡ nhỏ có tên Wuling – một thương hiệu ra đời từ sự hợp tác của các ông lớn ô tô thế giới bao gồm: General Motors - Mỹ (44% cổ phần), Ô tô Thượng Hải - SAIC Motor (50.1%) và Ô tô Quảng Tây - Wuling Motors (5.9%).
TMT đã đưa ra loạt biện pháp tái cấu trúc toàn bộ Công ty, trong đó bao gồm cả tái cấu trúc lại nhà cung cấp, đồng thời “chấp nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2024 để đảm bảo tính thanh khoản tốt với các tổ chức tín dụng”.
Trỗi dậy từ xe giá rẻ
Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) là một ngoại lệ. Giữa bối cảnh xe sang vẫn khó bán, “trùm” phân phối Mercedes dường như đã tìm ra “công thức” cho riêng mình khi dòng xe bình dân MG được tiêu thụ mạnh, giúp doanh thu tăng trưởng 38%, ghi nhận hơn 1.5 ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể xe Mercedes còn hưởng lợi từ chính sách giảm lệ phí trước bạ.
HAX đã sớm hợp tác với SAIC Motor để đưa hãng xe giá rẻ Trung Quốc về Việt Nam, nhờ đó mang về cho cổ đông công ty mẹ gần 62 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 8 lần, thoát khỏi vùng lợi nhuận lẹt đẹt vài tỷ đồng kéo dài từ quý 1/2023.
Xe MG được ưa chuộng đưa biên lợi nhuận gộp quý của HAX lên cao nhất từ trước đến nay, 11.34%. Ngoài ra, lãi lớn từ khoản lợi nhuận khác 26 tỷ đồng. Cũng gần giống SVC, lợi nhuận cổ đông thiểu số của HAX đang cao đột biến kể từ khi Công ty này giảm sở hữu tại CTCP Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Ô tô PTM, từ 98.32% xuống còn 51.62% hồi quý 1 năm nay.
Trông cậy vào Honda?
Khi các công ty tư nhân đang mải vật lộn theo nhiều cách khác nhau với kỳ vọng tìm lại lợi nhuận thời hoàng kim thì doanh nghiệp hơn 88% vốn thuộc Bộ Công thương Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) tiếp tục ổn định với hơn 1.6 ngàn tỷ đồng lãi ròng, tăng 8%, chủ yếu nhờ cải thiện lãi ghi nhận từ công ty liên doanh, liên kết.
Sau 9 tháng, Honda Việt Nam - công ty liên doanh do VEA sở hữu 30% - tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” khi đem về hơn 5 ngàn tỷ đồng; trong khi thu từ liên doanh với Toyota sụt giảm mạnh, chỉ 261 tỷ đồng so với 660 tỷ đồng cùng giai đoạn năm 2023.
Doanh số tháng 9 tăng vọt
Tháng 9 chứng kiến doanh số bán xe các hãng đồng loạt tăng vọt, thậm chí tăng gấp rưỡi so với tháng 8 trước đó; nhờ hiệu ứng từ chính sách giảm lệ phí trước bạ áp dụng cho các xe sản xuất, lắp ráp trong nước diễn ra trong các tháng 9,10 và 11 năm nay.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và từ TC Group cho thấy, so với tháng 8, Toyota bán gần 7 ngàn xe, tăng 48%. Huyndai TC của TC Group bán hơn 6.5 ngàn xe, tăng 40%. Các dòng xe của ông lớn Thaco cũng không ngoại lệ khi Thaco Kia ghi nhận hơn 4 ngàn chiếc, tăng 79%; Thaco Mazda cũng tăng 43%, đạt gần 3.6 ngàn xe.
“Khủng” nhất là Honda với 3.6 ngàn chiếc được tiêu thụ, gấp 3 lần con số tháng 8, đồng thời gấp đôi trung bình 8 tháng đầu năm. Thị phần của hãng xe Nhật tăng đáng kể trong tháng 9, từ 4.4% lên 9.4% (chỉ tính trong VAMA và TC Group).
Nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục hưởng ứng nhằm tận dụng đợt ưu đãi giảm lệ phí trước bạ trong các tháng 10 và 11, đặc biệt nay đã vào dịp cuối năm. Quý 4 của các doanh nghiệp ô tô theo đó có thể thu kết quả khả quan hơn đáng kể so với cùng kỳ, nhất là khi tiêu dùng không còn quá thắt chặt như trước.
Lượng xe bán ra tăng vọt trong tháng 9 (Đvt: ngàn chiếc) Nguồn: Người viết tổng hợp |