A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lợi nhuận “quay xe” sau kiểm toán, Vạn Phát Hưng lần đầu báo lỗ

Vạn Phát Hưng mới đây công bố lỗ ròng 852 triệu đồng sau kiểm toán, trong khi báo cáo tự lập trước đó lãi 4.4 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả thất vọng nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2006.

Diễn biến lãi ròng của VPH giai đoạn 2006 - 2022

Theo CTCP Vạn Phát Hưng (HOSE: VPH), có 3 nguyên nhân chính khiến số lãi bị điều chỉnh giảm. Đầu tiên là do giá vốn hàng bán bất động sản của khoản chi phí dự án trích trước nay đã thực hiện được điều chỉnh tăng 17.5%, lên 29.5 tỷ đồng.

Tương tự, chi phí xây dựng cơ bản dở dang các năm trước hợp lý nhưng không hợp lệ vào kết quả kinh doanh trong kỳ cũng tăng theo. Cuối cùng là do điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng giá vốn điều chỉnh tăng.

So với kết quả năm 2022, doanh thu VPH thu hẹp hơn một nửa, còn 73 tỷ đồng do năm ngoái chỉ chủ yếu có được phần doanh thu còn lại từ dự án C.T.C ở phường Long Trường, quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức) của công ty con CTCP Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C (dự án này đã được ghi nhận phần lớn ở năm 2021 và 2022).

Hiện VPH đã thoái toàn bộ vốn tại công ty con này vào cuối năm 2023, đồng nghĩa Công ty CTC Investment International Inc (công ty con của Thương mại Dịch vụ Du lịch C.T.C) cũng không còn là công ty con của VPH, góp phần thu về khoản lợi nhuận 41.5 tỷ đồng. Chi phí tài chính và dòng tiền đi vay theo đó tăng gần gấp đôi để bù đắp vốn lưu động trong năm. VPH đành ngậm ngùi chấp nhận kết quả thất vọng nhất kể từ năm 2006.

Ngoài ra, Kiểm toán và Tư vấn UHY cũng nhấn mạnh về việc tổng tài sản ngắn hạn trên BCTC riêng của công ty mẹ đang thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn số tiền 542 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản vay tổ chức và các cá nhân, đồng thời dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính của VPH trên cả BCTC riêng lẫn hợp nhất đều bị âm.

Theo kiểm toán, các điều kiện trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VPH.

VPH cho biết, hiện nay tài sản ngắn hạn của Công ty nằm ở các công ty con, bao gồm hàng tồn kho tại CTCP Bất động sản Nhà Bè là khu đất 16.7ha tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, giá trị sổ sách 865 tỷ đồng; tại CTCP Đầu tư Định An là khu đất y tế 2.2ha tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, giá trị sổ sách 90 tỷ đồng,…Trong khi đó, các khoản vay lớn của VPH đều năm ở công ty mẹ, vì thế chỉ số tài sản ngắn hạn trên nợ ngắn hạn ở công ty mẹ tương đối thấp, đạt khoảng 0.7.

Diễn biến tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn của VPH từ năm 2015 đến nay

Tuy nhiên, lãnh đạo VPH tin tưởng rằng Công ty đảm bảo khả năng hoạt động liên tục nhờ vào sự năng động và quyết đoán của Ban Tổng Giám đốc như việc gia hạn những khoản vay đến hạn, gia tăng thu hồi những khoản nợ phải thu tiềm tàng cũng như nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý dự án khu dân cư Nhơn Đức Nhà Bè trong quý 2/2024, đủ điều kiện chuyển nhượng một phần cổ phần CTCP Bất động sản Nhà Bè cho đối tác nhằm tạo dòng tiền trong hoạt động kinh doanh.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cũng đã gửi thông báo nhắc nhở VPH về việc chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023. Đồng thời, Công ty cũng hủy ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 do cần thời gian để chuẩn bị thủ tục, tài liệu cho đại hội.

Ảnh thực tế dự án khu dân cư Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TPHCM do VPH làm chủ đầu tư. Nguồn: VPH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...