A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

IMP dự kiến chi gần 67 tỷ mỗi năm để thưởng nhân viên thay vì ESOP, bầu sếp Novaland vào HĐQT

Hủy bỏ phương án phát hành ESOP và chuyển sang thưởng tiền là một trong 4 vấn đề được HĐQT Dược phẩm Imexpharm nêu ra trong Nghị quyết lấy ý kiến ĐHĐCĐ bằng văn bản.

Theo phê chuẩn trước đó của ĐHĐCĐ, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) dự kiến sẽ phát hành hơn 3.3 triệu cp cho cán bộ chủ chốt với giá 10,000 đồng/cp (tương đương 5% số cổ phiếu đang lưu hành, trước cổ tức 2022). Số cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 2 – 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.

Phương án thưởng tiền sẽ gắn một phần với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) hàng năm của IMP, thực hiện mỗi năm trong ba năm cho cán bộ chủ chốt để tăng khích lệ đội ngũ, hoàn thành và vượt mục tiêu sản xuất kinh doanh được ĐHĐCĐ giao phó.

IMP giải thích thêm, việc này đồng thời làm giảm rủi ro cho cán bộ chủ chốt vì giá trị cổ phiếu ESOP sẽ phụ thuộc vào dao động của thị trường chứng khoán cũng như giá cổ phiếu IMP trong giai đoạn 2 – 3 năm tới. Nguồn thực hiện được lấy từ quỹ khen thưởng phúc lợi.

IMP đưa ra công thức tính tiền thưởng trước thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bằng cách lấy hơn 3.3 triệu cp ESOP dự kiến phát hành ban đầu; nhân với giá chênh lệch giữa giá thị trường ước tính của cổ phiếu trước khi trả cổ tức (70,000 đồng/cp) và giá phát hành ESOP (10,000 đồng/cp) là 60,000 đồng/cp; tiếp tục nhân với tỷ lệ phân bổ tổng tiền thưởng tương ứng từng năm trong ba năm tới, cụ thể 34% năm 2024, 33% năm 2025 và 33% năm 2026; cuối cùng nhân với tỷ lệ tăng trưởng của EBITDA hằng năm được kiểm toán, bao gồm 30% là tỷ lệ thưởng cố định và 70% biến đổi theo tỷ lệ tăng trưởng EBITDA.

Như vậy, thay vì thu hơn 33 tỷ đồng từ phương án ESOP, tổng số tiền IMP sẽ chi khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2026, trung bình khoảng 67 tỷ đồng mỗi năm để thưởng cho cán bộ chủ chốt, xét trong điều kiện EBITDA không tăng trưởng. Mức chi dự kiến này gấp ba lần mức sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi cao nhất kể từ năm 2017.

Mức sử dụng quỹ khen thưởng phúc lợi từ năm 2017 - 2023 và dự kiến chi thưởng trung bình giai đoạn 2024 - 2026 (Đvt: tỷ đồng)

HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc sử dụng các quỹ và lợi nhuận chưa phân phối để chuyển sang quỹ khen thưởng, phúc lợi cho chương trình trên.

Các vấn đề còn lại được trình ĐHĐCĐ thông qua bao gồm bầu bổ sung Thành viên HĐQT độc lập để phụ trách Ủy ban kiểm toán và miễn chào mua công khai cho cổ đông SK Investment Vina III Pte. Ltd (SK Vina III).

Theo đó, HĐQT đề cử ông Hoàng Đức Hùng làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2023 – 2027 phụ trách Ủy ban Kiểm toán dựa trên chuyên môn phù hợp của ông Hùng để giữ vị trí này.

Ông Hùng cũng đang làm Thành viên HĐQT độc lập tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL); Thành viên HĐQT tại CTCP Dịch vụ Phân tích Di truyền; Chủ tịch HĐQT tại CTCP Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp CGS Việt Nam và một số chức vụ tại các công ty khác.

Cuối cùng, cổ đông lớn SK Vina III, hiện đang sở hữu 64.83% IMP, có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu lên 65% từ một số cổ đông, cán bộ nhân viên muốn chuyển nhượng cổ phần nhưng theo quy định phải thực hiện thủ tục chào mua công khai trừ khi được ĐHĐCĐ chấp thuận miễn.

Vì vậy, với lý do thủ tục phức tạp và kéo dài, số lượng cổ phần chuyển nhượng không đáng kể (0.2%), IMP đề xuất trình ĐHĐCĐ cho SK Vina III miễn thực hiện thủ tục này.

Dự kiến ngày 20/11/2023 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến bằng văn bản.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...