A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Doanh nghiệp thủy sản niêm yết lập đỉnh mới năm 2022

Nhiều sự kiện khó lường ảnh hưởng đến hoạt động của ngành thủy sản trong năm 2022. Tuy vậy, trong nguy có cơ, ngành đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và gặt hái được những thành quả ngoài kỳ vọng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có được mùa kinh doanh bội thu.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản cán mốc 11 tỷ USD năm 2022, tăng 22% so với năm trước. Còn so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19 ), kim ngạch tăng 25%.

Mặt hàng tôm và cá tra đóng góp nhiều nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản khi chiếm tỷ trọng hơn 39%, đạt 4.3 tỷ USD; trong đó cá tra chiếm gần 23%, đạt 2.44 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu tôm và cá tra tăng lần lượt 11% và 51%. Các mặt hàng còn lại như cá ngừ, hải sản khác về đích lần lượt ở mức 1 tỷ USD và 3.2 tỷ USD.

Bức tranh chung cả năm là vậy, nhưng hoạt động xuất khẩu chỉ tốt trong nửa đầu năm 2022, giảm nhiệt ở giai đoạn còn lại. Hoạt động tiêu dùng của người dân tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU bị ảnh hưởng do tác động lan tỏa của chính sách tiền tệ thắt chặt. Trung Quốc vẫn chật vật với chính sách Zero COVID, nhưng đây là thị trường bệ đỡ cho xuất khẩu trong năm.

Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 807 triệu USD, giảm 23% so với năm trước; nhưng bù lại xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 664 triệu USD và EU đạt 691 triệu USD, tăng lần lượt 61% và 13%.

Xuất khẩu tôm (nghìn USD)
Nguồn: VASEP, SSI Research

Đối với mặt hàng cá tra, Trung Quốc và Mỹ vẫn là 2 thị trường chiếm tỷ trọng lớn, chiếm hơn 53%; lần lượt đạt 572 triệu USD, tăng 60% và 537.2 triệu USD, tăng 45%.

Xuất khẩu cá tra (nghìn USD)
Nguồn: VASEP, SSI Research

Giá cá tra và tôm nguyên liệu vẫn ở mức cao, dù có giảm đôi chút so với đầu năm. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, khô đậu nành, lúa mì cũng cao hơn so với cùng kỳ, tạo áp lực chi phí đối với hoạt động kinh doanh.

Doanh thu cao kỷ lục, lợi nhuận tính bằng lần

Xuất khẩu tăng trưởng đã góp phần thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tích cực hơn. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, tổng doanh thu của 11 doanh nghiệp ngành thủy sản (trên HOSE, HNX, UPCoM) đạt 39.6 ngàn tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Trong đó, 5 doanh nghiệp chiếm 87% doanh thu toàn ngành đều tăng trưởng trên 2 con số.

Theo SSI Research, xu hướng mất giá của VNĐ so với USD trong năm cũng đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp thủy sản với doanh thu ghi nhận bằng USD. Những công ty có khoản nợ bằng USD lại chịu lỗ từ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện. May mắn là dư nợ bằng USD của những công ty này tương đối thấp.

Hưởng lợi lớn nhất từ hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc là CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) với doanh thu 13.2 ngàn tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính của VHC cũng đạt hơn 459 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước nhờ vào lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái chưa thực hiện hơn 363 tỷ và lãi tiền gửi 81.5 tỷ đồng.

Áp lực chi phí trong năm của Vĩnh Hoàn cũng tương đối lớn với chi phí tài chính gấp 4 lần năm trước do lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá. Chưa kể, Vĩnh Hoàn còn phải trích dự phòng giảm giá các khoản đầu tư chứng khoán gần 77 tỷ đồng vào danh mục các cổ phiếu NLG, DXSKBC (tính đến ngày 31/12/2022).

Vượt kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2022 đến 25%, Vĩnh Hoàn cán mốc lãi sau thuế hơn 2 ngàn tỷ đồng; lãi ròng hơn 1.9 ngàn tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước.

Hoạt động đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn trong năm 2022
Nguồn: BCTC Công ty

Cũng được lợi từ xuất khẩu cá tra, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI (HOSE: IDI) và CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) tăng trưởng doanh thu lần lượt 39% và 40%.

Doanh thu IDI đạt 7.9 ngàn tỷ đồng, chủ yếu từ bán hàng hóa và thành phẩm cá tra chiếm 45%, doanh thu bán bột cá và mỡ cá chiếm 37%. Đối với hoạt động tài chính, phần chi phí lại lớn hơn doanh thu. Trong năm 2022, lãi chênh lệch tỷ giá của công ty ở mức 40 tỷ đồng (gần gấp đôi năm ngoái) nhưng chi phí của bộ phận này lại chiếm tới 67 tỷ đồng (gần gấp 6 lần năm ngoái). Lãi từ cho vay, tính luôn cả tiền gửi, gần 125 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay là 233 tỷ đồng.

Doanh thu thuần IDI trong 10 năm qua

Doanh thu cả năm của ANV đạt gần 4.9 ngàn tỷ đồng và có xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Sau khi công bố kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2022 với lãi ròng tăng 96% so với cùng kỳ (107 tỷ đồng), ANV lập tức thông báo rút ngắn thời gian trả cổ tức gần 1 tháng vào ngày 31/03 thay vì 27/04 như trong thông báo dời thời gian trả cổ tức trước đó (trễ 5 tháng so với kế hoạch ban đầu, do tài chính khó khăn, không chuẩn bị kịp nguồn tiền thanh toán).

Doanh thu thuần ANV trong 10 năm qua

So với mục tiêu lãi sau thuế tham vọng 900 tỷ cho năm 2022, IDI chỉ đạt 62%. Còn ANV hoàn thành 77% kế hoạch khi lợi nhuận trước thuế gần 774 tỷ đồng. Tuy không đạt mục tiêu năm nhưng xét về mặt tăng trưởng, IDIANV là hai doanh nghiệp sáng giá nhất trong top đầu báo lãi đậm. IDI lãi ròng gấp 4 lần, lên 543 tỷ đồng; còn ANV lãi gấp 5 lần, lên gần 674 tỷ đồng.

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, mặt bằng tăng trưởng doanh thu thấp so với doanh nghiệp cá tra, nhưng vẫn cao so với năm trước.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) đạt doanh thu 5.7 ngàn tỷ đồng, tăng 10%. Phần lớn trong số đó là doanh thu từ bán thủy sản, gần 5.5 ngàn tỷ đồng, tăng 10%; doanh thu hoạt động tài chính (chủ yếu lãi chênh lệch tỷ giá) hơn 73 tỷ đồng, tăng 84%. Tuy nhiên, lỗ chênh lệch tỷ giá lại gấp 3 lần, lên 57.2 tỷ đồng, chi phí lãi vay 17.2 tỷ đồng. Số dư khoản vay ngoại tệ (USD) ngắn hạn tại ngày 31/12/2022 là 515.5 tỷ đồng, từ ngân hàng Vietcombank và VietinBank - chi nhánh Sóc Trăng.

Kết năm 2022, FMC lãi trước thuế 328 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch năm. Sau khi trừ thuế, lãi ròng đạt 307.5 tỷ đồng, tăng 15%.

Các khoản vay ngắn hạn của FMC
Nguồn: BCTC Công ty

CTCP Camimex Group (HOSE: CMX) đạt hơn 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 32% mục tiêu năm. Kết quả, lãi ròng CMX chỉ tăng 6%, lên 72 tỷ đồng.

Theo BCTC Công ty mẹ, năm 2022, doanh thu MPC đạt gần 9 ngàn tỷ đồng, thấp hơn 12% so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động tài chính gần 654 tỷ đồng, gấp 4.5 lần năm 2021. Nhờ đó, MPC thoát lỗ và lãi 802 tỷ đồng, tăng 50%. Nếu tính thêm MPC vào bộ dữ liệu để so sánh, nhiều khả năng MPC xếp vị trí thứ 2 về quy mô doanh thu.

Nhìn chung, biên lãi gộp của các doanh nghiệp ngành thủy sản đều cải thiện so với năm trước, trung bình đạt 16%, trong khi năm trước chỉ đạt 13%. Phần lớn biên lãi gộp của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn hơn so với doanh nghiệp tôm.

Giá cổ phiếu thủy sản đuối sức về cuối năm

Giá cổ phiếu thủy sản bám biên xuất khẩu trong năm 2022, nhưng xu hướng chủ đạo là giảm. Dù vậy, diễn biến giá trong năm vẫn tốt hơn so với chỉ số VN-Index và tăng giá mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm - giai đoạn cao trào của hoạt động xuất khẩu.

Các cổ phiếu như IDI, CMXFMC lập đỉnh giá trong năm so với ANVVHC; sau đó diễn tiến cùng chiều giảm cho đến cuối năm. Đầu tháng 11/2022, VHC tách nhóm khi giữ vững mức tăng so với đầu năm. Nhờ xuất khẩu cá tra duy trì tốt so với cùng kỳ, giá cổ phiếu doanh nghiệp cá tra tiếp tục tăng thêm một đoạn nữa tính từ lúc xuất khẩu lập đỉnh vào tháng 5. Trong khi đó, cổ phiếu ngành tôm thoái trào sớm hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...