Động thái của Thế giới di động với những "đứa con" không đem tiền về cho mẹ: Dứt khoát đóng cửa hay "nuôi lỗ vỗ béo" chờ ngày bán?
Thế giới di động, sau khi gần như đạt cực hạn trong mảng kinh doanh cốt lõi, để có thể tiếp tục tăng trưởng không phải việc dễ dàng. Họ bắt buộc phải mở rộng hoạt động kinh doanh theo bề ngang, tiến quân vào thị trường mới, kinh doanh những sản phẩm, ngành hàng mới. Nhưng không phải cứ đầu tư mới là sẽ thành công.
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG, sau đây viết tắt TGDĐ) sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia trong quý 1/2023 này, thông tin được chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 16/2/2023.
Bluetronics là bước đi đầu tiên của MWG trong việc khai thác thị trường quốc tế từ năm 2017, tên gọi ban đầu là chuỗi BigPhone, có mô hình tương tự thegioididong.com tại Việt Nam. Tháng 6/2020, chuỗi này đã được đổi tên thành Bluetronics, mở rộng địa bàn hoạt động từ PhnomPenh sang các tỉnh khác.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO Thế Giới Di Động từng cho biết, doanh thu của chuỗi Bluetronics ước đạt 500 tỉ đồng trong năm 2021. Nếu không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bluetronics đã có thể đạt tới điểm hòa vốn ngay trong năm 2021. Khi đó, lãnh đạo công ty vẫn đặt mục tiêu hồi vốn và có lời ở chuỗi này vào năm 2022.
Theo báo cáo tài chính, Thế giới di động tại Campuchia lỗ thuế liên tục từ 2017 đến nay, lũy kế 605 tỷ đồng.
“ Hiện, mô hình Bluetronics tại Campuchia thì khá giống mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam, tức bán cả điện thoại, điện máy và sản phẩm vệ tinh khác. Mô hình tại Campuchia không phải mô hình khá tệ, thậm chí chúng tôi cũng đã “customize” (điều chỉnh) lại cho phù hợp với thị trường này hơn ”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Vậy nhưng hiện tại do thị trường Campuchia quá nhỏ và chính sách thuế phức tạp, Ban lãnh đạo TGDĐ nhận thấy việc dừng lại chuỗi Bluetronics là cần thiết để doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho thị trường Indonesia. Bởi trái với thị trường Campuchia, thị trường tại Indonesia lớn hơn nhiều, thậm chí có thể nói gấp đôi quy mô thị trường Việt Nam hiện nay.
Đây không phải lần đầu tiên TGDĐ phải ra quyết định cắt bỏ hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Còn nhớ ngày 10/01 năm ngoái, TGDĐ đồng loạt ra mắt cùng lúc 5 chuỗi bán lẻ với các lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới bao gồm: AVAFashion - chuỗi cửa hàng thời trang, AVASport - chuỗi cửa hàng chuyên đồ thể thao chính hãng, AVAKids - chuỗi cửa hàng cho mẹ và bé, AVAJi - hệ thống bán lẻ đồng hồ, trang sức, mắt kính và AVACycle - chuỗi cửa hàng xe đạp dưới hình thức "shop in shop" tại hệ thống Điện máy Xanh.
Việc chào sân đồng loạt của 5 thương hiệu này cho thấy bước đi quyết liệt của Thế Giới Di Động trong giai đoạn hậu dịch với tham vọng chinh phục những thị trường mới được đánh giá tiềm năng.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 6 tháng ra mắt thị trường, TGDĐ đã đóng cửa hai chuỗi bán lẻ AVAFashion và AVAJi. Nguyên nhân là do kinh doanh không hiệu quả, cần sắp xếp lại.
Chuyển con thành cháu, "nuôi lỗ vỗ béo" chờ ngày bán
Một đứa con khác của TGDĐ đang vẫn phải "nuôi lỗ vỗ béo" đó là hệ thống Bách hóa xanh. Hệ thống siêu thị mini này ngốn của TGDĐ không ít tiền khi lỗ liên tục từ 2016 đến 2020, đỉnh điểm lỗ 2.744 tỷ đồng vào năm 2022. Tổng lỗ thuế lũy kế 7 năm từ khi thành lập của Bách Hóa Xanh gần 7.200 tỷ đồng .
Báo cáo mới nhất của Thế giới di động cho biết, đến cuối tháng 12/2022, Bách Hoá Xanh có 1.728 cửa hàng đang hoạt động. Doanh thu chuỗi này vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch.
Sau khi mạnh tay thực hiện tái cơ cấu, đóng cửa một loạt cửa hàng hoạt động không hiệu quả, BHX đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. So với trước khi thực hiện tái cấu trúc, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng trong quý 4 đạt 1,37 tỷ đồng – tăng 45% với quý 1/2022 và lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng đã chuyển từ âm sang dương 2%-3%. EBITDA tại cửa hàng ở mức 7-8%.
Năm 2023, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu đạt điểm hoà vốn toàn chuỗi vào cuối quý 4/2023.
Trong một diễn biến khác, vào tháng 04/2022, TGDĐ thành lập công ty Cổ phần Công nghiệp và đầu tư Bách Hóa Xanh (sau đây gọi tắt: Đầu tư BHX) ngành nghề kinh doanh chính là quản lý khoản đầu tư. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 10.000 tỷ đồng, mới đây đã nâng lên 14.050 tỷ đồng . Doanh nghiệp do Thế giới di động nắm 99,99% vốn, tương đương 14.049,8 tỷ đồng.
Sau khi thành lập Đầu tư BHX vài ngày, TGDĐ đã bán cổ phần của Công ty CP TM Bách Hóa xanh cho công ty con là Công ty CP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh, theo đó TM Bách Hóa xanh từ công ty con trực tiếp trở thành công ty con gián tiếp, hay gọi nôm na là xuống hàng "cháu" của TGDĐ.
Công ty TM Bách Hóa Xanh (sau đây gọi tắt là BHX) chính là đơn vị sở hữu và quản lý hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh. Mới nhất, hồi tháng 6/2022, BHX đã tăng vốn điều lệ từ 12.801 tỷ đồng lên 13.882 tỷ đồng.
Động thái này có thể liên quan đến kế hoạch chào bán tối đa 20% cổ phần của Bách Hóa Xanh mà TGDĐ chia sẻ trong cuộc họp nhà đầu tư hồi cuối năm 2022. TGDĐ cho biết công ty đang trong giai đoạn tiến hành, hiện đã thực hiện khoảng 70 - 80% tiến độ. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng tiết lộ, dự kiến trong quý đầu năm sau, việc mời gọi nhà đầu tư tham gia việc mua cổ phần của Bách Hóa Xanh sẽ được hoàn thành. “ Bách Hoá Xanh tiến hành chào bán 20% không phải vì cần nguồn vốn mà được coi như một bước đệm IPO ”, ông Tài cho biết.
Lãnh đạo Thế Giới Di Động từng cho rằng việc đóng cửa hoặc mở cửa là bình thường, cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Cái nào kinh doanh không hiệu quả thì phải sắp xếp lại để phát triển tốt hơn.
Mặc dù vậy, tất cả những quyết định kinh doanh không hiệu quả, hoặc mang tính thử nghiệm đều phải trả giá bằng tiền.