A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lượng người sử dụng Mobile Money tại Việt Nam tăng nhanh

Tính đến hết tháng 5/2024, số lượng người sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam đã đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, tăng 3,3% so với cùng kỳ tháng trước, đã có gần 280.000 điểm chấp nhận Mobile Money như một hình thức thanh toán.

Theo số liệu mới nhất của Bộ TT&TT, tính đến hết tháng 5/2024, số lượng người sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam đã đạt hơn 8,8 triệu khách hàng, tăng 3,3% so với cùng kỳ tháng trước. Trong đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 6,3 triệu khách hàng, chiếm 72% số khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Mobile Money là dịch vụ dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 đến 18/11/2023.

Sau khoảng thời gian thí điểm ban đầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 192 về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết ngày 31/12/2024.

Việc triển khai thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của ngành TT&TT nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, những nơi người dân không tiếp cận được với các điểm giao dịch ngân hàng.

Khác với các ví điện tử thông thường, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.

Một tài khoản của người dùng dịch vụ Mobile Money (Tiền di động). Ảnh: Trọng Đạt

Đến thời điểm hiện tại, trên cả nước hiện có 275.879 điểm chấp nhận thanh toán bằng Mobile Money, tăng 9,56% so với tháng 4/2024. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 119 triệu giao dịch, tăng 8%. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.462 tỷ đồng, tăng 7%.

Trên thực tế, đã có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công Mobile Money. Tiêu biểu như mô hình M-PESA (Kenya) sở hữu 30 triệu khách hàng, giá trị giao dịch đạt 78.8 tỷ USD, nâng tỷ lệ người dân được tiếp cận dịch vụ tài chính tới gần 83%. 

Theo nghiên cứu của Tổ chức tư vấn trợ giúp người nghèo (Consultative Group to Assist the Poor), thu nhập của các gia đình Kenya đã tăng 5-30% nhờ dịch vụ này, 194.000 hộ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói và khoảng 185.000 người dân Kenya chuyển từ hoạt động nông nghiệp sang kinh doanh hoặc bán lẻ. 

Trước những kết quả đã đạt được kể từ khi thí điểm, tại cuộc họp hồi tháng 5/2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, đề xuất về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ Mobile Money. 

Theo đó, định hướng của Chính phủ là cần có đánh giá cụ thể, đầy đủ số liệu, sát tình hình đối với kết quả thí điểm dịch vụ Mobile Money thời gian qua. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ các tác động, lợi ích, rủi ro, ảnh hưởng đối với các đối tượng liên quan, hệ thống thanh toán, hoạt động ngân hàng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. 

Phương án, đề xuất phải đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán ngân hàng, hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia, hiệu quả, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, thông lệ quốc tế, bảo đảm công tác quản lý, quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết