Ham đồ giá rẻ trên mạng, dễ dính bẫy lừa
Rao bán với giá rẻ hơn giá thị trường, kèm cam kết máy chuẩn và chính chủ nhưng thực chất là hàng dỏm, lừa đảo khiến nhiều người ngậm ngùi chịu thiệt
Không biết kêu ai
Theo ghi nhận, các hội nhóm mua bán hàng hóa, hàng điện tử, điện thoại… trên mạng xã hội Facebook đều có lượng người tham gia rất lớn, như Chợ điện thoại cũ giá rẻ (735.500 thành viên), chợ thanh lý hàng giá rẻ (203.800 thành viên), Mua bán iPhone cũ (520.000 thành viên), Mua bán rao vặt TP HCM - Mua bán Tất tần tật… Người dùng rất dễ được duyệt đăng bán sản phẩm ở các hội nhóm trên, chỉ cần vài từ mô tả sơ sài và 1 hình ảnh.
Chỉ cần gõ bất kỳ từ khóa mong muốn, chẳng hạn "mua tủ lạnh LG cũ", "mua Airpods" hay "mua iPhone 15 Pro", "mua điện thoại rẻ"… là vô số bài đăng xuất hiện kèm hình ảnh, mô tả, như like new (như mới), mới 99%... đặc biệt là giá rẻ hơn thị trường rất nhiều.
Tuy nhiên, chỉ có một số ít hội nhóm có ban quản trị, điều hành, kèm các quy định, quy tắc nhằm hạn chế lừa đảo, bảo vệ người mua, người bán. Phần lớn các hội nhóm còn lại gần như "vô chủ", rao mua, rao bán tự do; người mua và người bán tự liên hệ giao dịch với nhau, không qua bất kỳ khâu xác minh nào. Chính vì vậy, nhiều người đã bị lừa mất tiền đặt cọc, thanh toán đầy đủ nhưng không nhận được hàng, mua phải hàng giả, hàng nhái…
Anh Minh Hải - nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM - cho biết anh vừa mua chiếc iPhone 13 Pro Max 128 GB giá 11,5 triệu đồng (thấp hơn cửa hàng 3-4 triệu đồng) của tài khoản tên V.H trên mạng xã hội. Dù kiểm tra kỹ lưỡng trước khi trả tiền nhưng mới sử dụng được vài ngày, chiếc điện thoại đã bị tắt màn hình.
"Đem ra tiệm, nhân viên kỹ thuật báo màn hình chiếc iPhone này đã bị "bùa phép", người thiếu chuyên môn rất khó phát hiện. Muốn sử dụng tiếp phải thay màn hình mới tốn 5 triệu đồng. Tôi liên lạc với người bán mới biết đây là tài khoản ảo, số điện thoại cũng bị khóa. Quá bức xúc, tôi đem chuyện này đăng lên các hội nhóm, nhiều người nói họ cũng từng bị lừa như vậy, người bán thì lặn mất tăm nên không biết kêu ai" - anh Hải kể lại.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lệ (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng bị lừa mất tiền cọc 1 triệu đồng sau khi xem bài đăng của tài khoản B.M trên hội nhóm với nội dung: "Khó khăn kinh tế, cần bán gấp máy ảnh Canon EOS 70D và len giá chỉ 6 triệu đồng, giao dịch tại TP HCM, liên hệ qua số điện thoại 033.3835xxx".
Chị Lệ kể: "Người rao bán hẹn tôi 11 giờ sang quận 4 xem máy, sau đó người này báo bận đột xuất, hẹn qua ngày khác và yêu cầu tôi cọc 1 triệu đồng giữ máy. Nếu xem không ưng ý sẽ hoàn cọc. Ban đầu tôi không chấp nhận nhưng khảo giá thấy khá rẻ, trang cá nhân của người này hoạt động từ lâu nên tôi tin tưởng chuyển khoản đặt cọc. Đúng hẹn, tôi liên hệ, đầu bên kia không liên lạc được".
Ham rẻ, có ngày trả giá đắt
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Hoàng Ngọc Tân, quản trị viên một nhóm mua bán, trao đổi iPhone ở TP HCM với gần 250.000 thành viên, thừa nhận việc mua bán hàng hóa, đặc biệt là hàng điện tử, điện thoại trên mạng xã hội rất phức tạp, khó xác định ai tốt ai xấu. Nhóm của anh dù kiểm duyệt thành viên và bài đăng rất chặt nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện lừa đảo. Đa số người dùng bị lừa do ham mua sản phẩm có giá quá rẻ so với mặt bằng chung, như iPhone 15 giá 10 triệu đồng hoặc laptop giá rẻ 3-4 triệu đồng…
"Chúng tôi có phân công người kiểm duyệt bài viết, xóa những tài khoản lừa đảo khi nhận được report (báo cáo) của người dùng. Tuy nhiên, việc xóa tài khoản cũng không thể xử lý hết những đối tượng lừa đảo, do họ lập tài khoản ảo liên tục. Tài khoản Facebook lập mới khá dễ, họ tiếp tục tham gia hội và thực hiện hành vi trên" - anh Tân nói.
Cũng theo quản trị viên này, từ đầu tháng 6 đến nay, nhóm anh phát hiện khoảng 5-10 trường hợp bị lừa cọc khi mua iPhone. Đáng nói, kẻ lừa đảo là một đường dây chuyên dùng tài khoản ảo để lừa người dùng mua iPhone chính hãng, giá rẻ nhưng thực chất là hàng linh kiện hoặc máy chưa được kích hoạt mạng tại Việt Nam (máy lock). "Chúng có đội nhóm đợi sẵn ở ngoài, nếu ai gây chuyện sẽ có người vồ tới ngay" - anh Tân nói.
Để hạn chế tình trạng lừa đảo khi mua bán trên mạng xã hội, chuyên gia thương mại điện tử Lưu Thanh Phương cho rằng cơ quan quản lý cần yêu cầu Facebook chuyển những hội nhóm mua bán, trao đổi đồ cũ trên dưới dạng sàn thương mại điện tử hoặc có cách thức kiểm soát các hoạt động mua bán, xây dựng nội quy giao dịch từ khâu đặt cọc đến khâu nhận hàng, thanh toán…
"Khi đó, chủ sàn sẽ quản lý được thông tin người đăng bán và người mua hàng. Nếu xảy ra lừa đảo, chủ sàn có thể xác định được người bán là ai, ở đâu, địa chỉ nào, từ đó người tiêu dùng sẽ được bảo vệ nhiều hơn" - ông Phương chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Chợ Tốt, sàn thương mại điện tử chuyên kết nối người mua và người bán, cho biết 70% người Việt không lựa chọn mua đồ cũ do lo ngại về tình trạng sản phẩm hoặc những chi tiết bị lỗi, không giống với mô tả. Để giải quyết vấn đề này, Chợ Tốt đã triển khai nhiều biện pháp ứng dụng công nghệ và thủ công để bảo vệ người dùng như xác thực số điện thoại cho mỗi tài khoản đăng tin nhằm tăng cường tính bảo mật tài khoản và tính xác thực cho mỗi người dùng trên Chợ Tốt.
Sàn cũng áp dụng cơ chế duyệt tin kép nghiêm ngặt cho tất cả tin đăng với đội ngũ nhân viên kiểm duyệt thủ công và hệ thống duyệt tin công nghệ cao để nâng cao chất lượng tin đăng. Các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm quy định, Chợ Tốt sẽ thực hiện gỡ tin và khóa tài khoản người dùng vi phạm.
"Chúng tôi khuyến khích người dùng kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm và các chính sách bán hàng từ người bán, lựa chọn phương thức giao dịch an toàn như thanh toán bảo đảm trên nền tảng Chợ Tốt hoặc giao dịch trực tiếp, đồng thời lưu đầy đủ thông tin giao dịch để đối chiếu sau này. Người tiêu dùng kiểm tra qua tính năng "Đánh giá và nhận xét" cũng là cơ sở tham chiếu để ra quyết định mua sắm" - đại diện sàn này cho hay.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên lựa chọn những địa chỉ uy tín và chính thống để tránh sập bẫy lừa đảo. Không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng hoặc bị chiếm đoạt tài sản.