A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ công nhân nhộn nhịp trở lại

Doanh nghiệp có đơn hàng, tình hình việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động được đảm bảo... nhờ đó, các khu chợ công nhân, chợ truyền thống nằm gần khu công nghiệp cũng được cải thiện sức mua, nhộn nhịp trở lại.

Chợ công nhân nhộn nhịp trở lại

Chợ công nhân gần KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ) cải thiện sức mua nhờ công nhân có việc làm ổn định. Ảnh: Mỷ Ly

Khách hàng công nhân là chủ yếu

Cứ mỗi buổi chiều, bà Phạm Thúy Quyên lại tất bật dọn hàng ra chợ công nhân gần Khu Công nghiệp (KCN) Trà Nóc (TP Cần Thơ) để bán cho công nhân tan ca về. “Tiện đường cộng thêm giá rẻ, phù hợp với túi tiền của anh chị em công nhân nên họ ghé ủng hộ nhiều. Cũng nhờ vậy mà hàng cá của tôi cũng nhanh chóng bán hết”.

Cùng vợ mang rau, củ đến chợ công nhân bán, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, khu chợ này buôn bán được phần lớn là nhờ công nhân lao động mà cao điểm là vào buổi chiều, khi công nhân tan làm.

“Do thuận đường về nhà nên có nhiều công nhân ghé chợ mua sắm thay vì đến các khu chợ khác. Ngoài ra, giá cả hàng hóa ở đây cũng bằng chợ truyền thống chứ không cao hơn. Riêng một số mặt hàng do người bán tự trồng được như bắp, dưa leo, bầu… thì giá rẻ hơn” - ông Hùng nói.

Buôn bán tại chợ Sang Trắng (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Tư cho biết, ngoài người dân địa phương, lượng khách chủ yếu của bà là công nhân lao động vì chợ nằm cạnh KCN Trà Nóc (TP Cần Thơ).

“Nhà tôi không có ruộng nương nên thu nhập chủ yếu của cả gia đình đều dựa vào sạp hàng này. Sáng tôi bán cho người dân địa phương, buổi chiều phần lớn là nhờ công nhân tan làm về mua. Do phục vụ khách hàng là công nhân nên giá cả hàng hóa tôi cố gắng bán rẻ nhất có thể, chấp nhận lời ít. Nhờ đó, người dân và công nhân ủng hộ nhiều, thu nhập dư dả giúp tôi lo liệu được chi tiêu trong gia đình” - bà Tư tâm sự.

Nhộn nhịp trở lại

Từ sau Tết, việc buôn bán của tiểu thương này đã cải thiện hơn nhờ công nhân có việc làm ổn định.

“Mấy tháng trước, công nhân ít việc, thu nhập giảm nên cũng ít ghé chợ hơn, phần lớn tôi chỉ bán cho khách quen nhưng cũng chậm hơn trước nhiều. Từ sau Tết, công nhân đi làm đều hơn, thu nhập ổn định nên lượng người đi chợ cũng tăng” - bà Tư nói.

Việc buôn bán từ chợ truyền thống đến chợ công nhân đều được khởi sắc làm ông Hùng vui mừng: “Nếu năm ngoái vì kinh tế khó khăn, có khi bày hàng ra rất lâu mà chẳng thấy ai ghé mua thì hiện việc buôn bán của tôi đã cải thiện hơn. Công ty có đơn hàng, anh chị em công nhân có việc làm, có đồng vô đồng ra nên cũng chi tiêu thoải mái hơn chút. Nhờ đó, hàng hóa tiểu thương chúng tôi bán ra cũng nhanh hết hơn”.

Buôn bán hằng ngày tại chợ công nhân, bà Quyên nhận thấy rõ sự thay đổi trong việc mua sắm của công nhân lao động những ngày gần đây. Bà cho biết, năm ngoái do ảnh hưởng của tình hình kinh tế cộng thêm vật giá leo thang khiến người tiêu dùng, nhất là công nhân lao động gói ghém chi tiêu để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, theo tiểu thương này, trong những tháng đầu năm, sức mua của người dân đã tăng trở lại, các thực phẩm thịt, cá cũng được tiêu thụ nhiều hơn.

“Giờ không chỉ có việc làm ổn định mà công nhân còn được tăng ca nên mọi người cũng chi tiêu giãn ra hơn chút. Lúc trước, có công nhân là khách quen của tôi vì tiết kiệm nên 2-3 ngày mới đi chợ một lần, còn giờ ngày nào cũng ghé để mua thực phẩm tươi ngon. Chưa kể, thu nhập ổn nên các thực phẩm như thịt, cá cũng được công nhân đưa vào bữa cơm nhiều hơn” - bà Quyên nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết