Người Việt chi 90 tỷ đồng mỗi ngày mua cơm văn phòng, trà sữa trên Grab, Shopee Food…
Năm 2023, tổng GMV trên các ứng dụng giao đồ ăn tại Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tương đương 35.000 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Momentum Works cho biết, doanh thu GMV của thị trường Đông Nam Á năm 2023 đã tăng 5% so với năm trước, đạt 17,1 tỷ USD. Đáng chú ý, trong khi hầu hết các thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều trải qua giai đoạn tăng trưởng với con số rất khiêm tốn thì Việt Nam lại trở thành ngôi sao sáng với tốc độ tăng trưởng GMV gần 30%, đạt 1,4 tỷ USD (tương đương 35.000 tỷ đồng). Điều này đồng nghĩa rằng trung bình mỗi ngày, người Việt đang bỏ ra tới 90 tỷ đồng để mua đồ ăn trên các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến.
Dẫu vậy, quy mô GMV thị trường giao đồ ăn trực tuyến của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực. Theo dữ liệu của Momentum Works năm 2023, hiện Indonesia đang dẫn đầu về doanh thu GMV với 4,6 tỷ USD, ngay sau là Thái Lan với 3,7 tỷ USD, Singapore và Philippines đều khoảng 2,5 tỷ USD.
Về thị phần, Grab vẫn thống trị ngôi đầu bảng tại thị trường Đông Nam Á khi đóng góp 9,4 tỷ USD vào tổng GMV. Gojek chỉ đứng ở vị trí số 3 với 1,8 tỷ USD, còn Shopee Food ghi nhận GMV đạt 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, Baemin xếp cuối bảng khi GMV chỉ khoảng 0,1 tỷ USD. Tại Việt Nam, dù là thương hiệu ghi dấu ấn với nhiều chiến dịch marketing thu hút nhưng ứng dụng này cũng đã phải ngậm ngùi rời bỏ thị trường.
Theo báo cáo, trọng tâm chính của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến trong năm 2023 đều là tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu chi phí và cũng không ngoại trừ phương án sa thải, sáp nhập. Tháng 2/2023, Foodpanda đã công bố sa thải 1.000 nhân viên, tương đương 10% lực lượng lao động. Trong khi đó, Delivery Hero cho biết EBITDA đã được điều chỉnh tích cực trong nửa đầu năm 2023. Mới đây, thị trường đã dấy lên tin đồn Grab và GoTo (công ty mẹ của Gojek) đang đàm phán về một thương vụ sáp nhập nhưng sau đó, GoTo đã bác bỏ thông tin này.