A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sống trong nhà tiền tỉ ở Hà Nội nhưng không có nước sạch

Bỏ tiền tỉ mua nhà ở Khu đất 6,9ha (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), thế nhưng 6 năm qua, hơn 100 hộ dân ở đây vẫn không có nước sạch để sử dụng.

Sống trong nhà tiền tỉ ở Hà Nội nhưng không có nước sạch

Người dân sinh sống tại Khu đất 6,9ha mòn mỏi chờ nước sạch. Ảnh: Khánh An

Từng ngày mong ngóng nước sạch

Bà Đỗ Thị Sáu ngao ngán chỉ vào hàng loạt thiết bị trong phòng tắm bị chuyển màu úa vàng, gỉ sét do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Đôi bàn tay của bà đang còn nguyên những vết bong tróc vì thường xuyên phải sử dụng nguồn nước này.

Cách đây 6 năm, bà Sáu cùng 3 thành viên chuyển về sinh sống tại Khu đất 6,9ha (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). Thời điểm đó, do không có nước sạch nên cả gia đình phải dùng nước giếng khoan.

Khi thấy nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, nhà bà Sáu tự chế bể lọc bằng cát. Tuy nhiên, qua nhiều lần lọc, nước vẫn có màu vàng đục.

"Sau đó, nhà tôi đầu tư thêm hệ thống lọc nước hơn 10 triệu đồng. Cứ 4 tháng, tôi phải thay lõi lọc 1 lần. Mỗi lần thay là một lần nổi da gà vì lõi lọc chuyển màu xanh đậm. Do vậy, gia đình nhà tôi chỉ dám sử dụng nước này để tắm giặt, tưới cây" - bà Sáu nói.

Hiện tại, mỗi tháng gia đình bà Sáu phải chi hơn 1 triệu đồng để mua nước đóng bình phục vụ cho việc ăn uống.

Bà kể, cả 4 thành viên trong gia đình đều thường xuyên phải đi thăm khám các bệnh về da liễu. "Đi hết viện này đến viện kia, cứ khỏi được một thời gian là bị lại vì mình vẫn đang phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn" - bà Sáu nói.

Các thành viên trong gia đình bà Sáu thường xuyên mắc các bệnh về da liễu do sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Ảnh: Khánh An

Các thành viên trong gia đình bà Sáu thường xuyên mắc các bệnh da liễu do sử dụng nguồn nước không đảm bảo. Ảnh: Khánh An

Mỗi tháng gia đình bà Sáu chi hơn 1 triệu đồng để mua nước đóng bình. Ảnh: Khánh An

Mỗi tháng gia đình bà Sáu chi hơn 1 triệu đồng để mua nước đóng bình. Ảnh: Khánh An

Chị Trần Thị Lan Anh cũng ngán ngẩm khi suốt thời gian dài phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm. Lo sức khỏe cho 3 con nhỏ nên chị Lan Anh vào làng Hậu Ái (giáp Khu đất 6,9ha) xin kéo nhờ nước sạch của các hộ dân trong làng để dùng.

Khi sử dụng nhờ đường nước sạch, gia đình chị Lan Anh chấp nhận việc phải chi trả mức giá nước “kịch khung”. Nếu một gia đình 4-5 người thông thường sử dụng hết khoảng 300.000 đồng tiền nước, thì gia đình chị phải trả gấp 4-5 lần.

"Buồn vô cùng khi sống trong lòng Hà Nội, xung quanh người dân đều có nước sạch sử dụng nhưng mình lại không có. Cảm giác như mình đang sống ở vùng sâu, vùng xa, không có nước sạch sử dụng" - chị Lan Anh chia sẻ.

Chị cho biết, thời điểm cách đây 6 năm, vợ chồng chị đã chi 5 tỉ đồng để mua đất, xây nhà ở khu vực này. Bỏ số tiền lớn mua nhà, chị không nghĩ rằng suốt hơn nửa thập kỷ qua phải từng ngày mong ngóng nước sạch.

Điều mong muốn nhất của chị bây giờ là được các cấp chính quyền quan tâm để sớm có nước sạch sử dụng.

Hệ thống lọc tự chế của gia đình chị Lan Anh. Ảnh: Khánh An

Hệ thống lọc tự chế của gia đình chị Lan Anh. Ảnh: Khánh An

Người dân phải tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm suốt nhiều năm qua. Video: Khánh An

Lắp đặt bằng nguồn xã hội hóa

Thời điểm tháng 4.2023, trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, đã nhiều lần đề xuất thành phố, Sở Xây dựng cho phép lắp đặt bằng nguồn ngân sách của huyện. Thế nhưng, theo quy định, không được sử dụng vốn ngân sách để làm hệ thống nước sạch.

Do vậy, giữa tháng 8.2024, hơn 150 hộ dân của Khu đất 6,9ha đã đồng tình với việc sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa để lắp đặt hệ thống nước sạch. Theo đó, các hộ dân đã đồng thuận đóng góp chi phí tạm thời 10 triệu đồng/hộ. Đồng thời, nhờ phía Công ty Nước sạch Tây Hà Nội lập dự toán, lập bản vẽ kỹ thuật.

Cư dân sau đó đã trình hồ sơ, đơn thư lên cấp xã, cấp huyện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền địa phương.

Liên quan đến những nội dung người dân phản ánh, đại diện UBND xã Vân Canh cho biết do chưa đủ thủ tục nên những ý kiến đề xuất của người dân chưa được phê duyệt. Theo vị lãnh đạo, cần làm rõ các nội dung về việc "khi hệ thống đã hoạt động, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về đường ống, ai là người đóng góp, ai thu tiền, mạng lưới thiết kế có đảm bảo hay không...".

"Chúng tôi đang yêu cầu hoàn thiện thủ tục pháp lý. Hiện tại chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo từ phía huyện" - vị lãnh đạo xã cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết