A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điểm tựa cho đoàn viên khó khăn

Trong bối cảnh doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, đời sống công nhân lao động chật vật, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, làm chỗ dựa cho đoàn viên vượt qua khó khăn.

Điểm tựa cho đoàn viên khó khăn

Chị Bùi Thị Thanh Phượng được hỗ trợ Mái ấm Công đoàn trong tháng 7.2024. Ảnh: Công đoàn huyện Thăng Bình

Chăm lo cho đoàn viên yếu thế

Là phụ nữ đơn thân, nuôi 4 người con ăn học, trong đó có 1 trẻ khuyết tật, chị Bùi Thị Thanh Phượng (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) tất bật quanh năm, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của chị Phương, Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt đã hỗ trợ 55 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để chị có điều kiện xây dựng nhà mới.

Ngày nhận bàn giao Mái ấm Công đoàn mắt chị Phượng rưng rưng vì xúc động.

“Nhờ sự quan tâm của Công đoàn và các cấp, gia đình tôi 5 người mới có chỗ trú nắng, trú mưa. Đây là ước mơ mà ngỡ như cả đời tôi không bao giờ có được vì quá khó khăn” - chị Phượng chia sẻ.

Chị Phượng là 1 trong số 50 trường hợp khó khăn, yếu thế được các cấp Công đoàn tại Quảng Nam trao tặng Mái ấm Công đoàn, tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng, kể từ đầu năm 2024.

Tương tự, cách đây hơn 3 năm, chị Nguyễn Thị Bích Đào, công nhân Xí nghiệp may Ánh Sáng 2 (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) gần như suy sụp khi phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp.

“Hoàn cảnh gia đình tôi còn quá khó khăn, mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ dựa vào đồng lương công nhân. Lúc đó, nếu không có sự hỗ trợ và động viên của các anh chị em trong xí nghiệp và Công đoàn thì tôi đã không thể gắng gượng nổi. Từ ngày mắc bệnh, tôi được xí nghiệp bố trí công việc phù hợp, duy trì thu nhập để chiến đấu với bệnh tật” - chị Đào nói.

Sát cánh cùng đoàn viên

Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Nam - cho biết, chăm lo đời sống đoàn viên, bảo vệ quyền lợi người lao động là nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Với Quảng Nam, nhiệm vụ này được thực hiện xuyên suốt với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn”.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, từ các nguồn hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN, nguồn tài chính Công đoàn tỉnh, nguồn vận động xã hội hóa, LĐLĐ tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà cho hơn 5.800 đoàn viên, lao động bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh đó, từ nguồn tài chính công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã chi hỗ trợ hơn 81.089 lượt đoàn viên, người LĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 40 tỉ đồng.

Với đoàn viên khó khăn do bị mất việc, bị cắt giảm giờ làm khi doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, bị cắt đơn hàng... thì LĐLĐ tỉnh đã cùng với các cấp CĐCS tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Kết quả, đã xét hỗ trợ cho 431 đoàn viên, công nhân lao động với tổng số tiền 625 triệu đồng.

Đến nay, số lao động có việc làm thường xuyên chiếm 75%. Thu nhập bình quân thời điểm tháng 7.2024 trong khối hành chính sự nghiệp: 6 triệu đồng/người/tháng; khối Doanh nghiệp Nhà nước đạt 5,8 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp FDI đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tranh chấp lao động.

Những Mái ấm Công đoàn và hoạt động trợ giúp thiết thực cho đoàn viên đã góp phần củng cố vững chắc thêm niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

Tính đến hết tháng 6.2024, Quảng Nam có đến 962 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể, tăng 9,57% so với cùng kỳ 2023. Trong khi đó, chỉ có 542 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 291 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, dẫn đến số lao động nhảy việc, mất việc làm cũng tăng so với cùng kỳ 2023. Ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch Công đoàn các KKT và KCN Quảng Nam - cho biết, trong tháng 8, đơn vị sẽ phối hợp với Công đoàn và Phòng LĐTBXH các huyện miền núi tổ chức nhiều phiên chợ việc làm để kết nối, tạo thêm việc làm cho người lao động, phát triển đoàn viên mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết