A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm thế nào đẩy mạnh xã hội hóa thể thao?

Với vài trăm tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho mọi hoạt động của ngành thể thao tại Việt Nam, kêu gọi về xã hội hóa là điều bắt buộc để phát triển…

Thể thao, đặc biệt là bóng đá, được ví như môi trường đầu tư sinh lời - như cách các tổ chức, các giải bóng đá hàng đầu thế giới vận hành. Những giá trị thể thao mang lại cho người hâm mộ chính là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp, những nhà đầu tư, từ đó tạo nên sự cạnh tranh, khiến thể thao và bóng đá ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, công thức đó hiện tại không đúng với thể thao Việt Nam. Với khoảng 900 tỉ đồng (như năm 2023) ngân sách Nhà nước cấp cho thể thao, bức tranh chung là khó khăn, rất khó khăn, với vận động viên ở nhiều môn tập luyện trong tình trạng thiếu thốn. Do đó, nhu cầu xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân là có thật.

Và dĩ nhiên, đã có rất nhiều Mạnh Thường Quân đầu tư vào bóng đá, thể thao, có những đơn vị, những ông bầu tâm huyết với phát triển thể thao nước nhà. Nhưng vấn đề là, sau một thời gian, đa phần đều rút. Mà trong khi nhu cầu kêu gọi xã hội hóa ngày càng cao, điều bắt buộc để thu hút trở lại là thay đổi chính mình.

Và để thay đổi được như vậy, chính những người trong ngành thể thao phải thể hiện được sự tâm huyết, chỉn chu, toàn tâm, toàn ý với sự phát triển của ngành. Những hình ảnh, những câu chuyện gây ảnh hưởng xấu, khiến dư luận bức xúc cần phải xử lý nghiêm, dần dần dẹp bỏ. Muốn được vậy, vẫn là câu chuyện giải quyết vấn đề thu nhập cho các thành phần liên quan, đảm bảo rằng, họ chỉ việc tận tâm với nghề, với công việc của mình.

Nhiều thứ cần phải thay đổi, sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng buộc phải làm. Để khi thể thao đúng nghĩa là cạnh tranh trong bản chất giải trí, việc xã hội hóa sẽ tự động được đẩy mạnh, không cần phải kêu gọi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết