A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phổ biến giáo dục pháp luật giúp bảo vệ quyền, lợi ích đồng bào dân tộc thiểu số

Sóc Trăng có 35% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 30%. Ngoài công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo tỉnh còn chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho dân tộc thiểu số nhằm tăng cường kiến thức pháp luật, tạo thêm sự hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp khi liên quan đến pháp luật.

* Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp

Thị xã Vĩnh Châu có gần 70% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó hơn 52% là người Khmer và 17% người Hoa. Thị xã có vùng biên giới biển, là địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao.

Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, thị xã luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm rõ hơn về kiến thức pháp luật để bảo về quyền, lợi ích của bản thân. Phòng Tư pháp phối hợp các cơ quan, ban, ngành tham mưu tuyên truyền, phổ biến các văn bản như: Tìm hiểu Luật Căn cước; Luật Đất đai năm 2024; Luật Nhà ở; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật… với 190 cuộc, 7.200 lượt người tham dự; tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng 255 đợt, ước khoảng 49.250 lượt người nghe.

Cũng theo ông Trần Trí Vân, ngành Tư pháp thị xã đã đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành chú trọng thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và năng lực cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý để góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2024, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 358 vụ việc (giảm 104 vụ việc so với năm 2023), trong đó đã hòa giải thành công 321 vụ việc.

Ông Kim Cươl (phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu) cho hay, cùng với việc được Nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn, làm nhà, đào tạo nghề, người dân ở vùng đồng bào Khmer còn được phổ biến pháp luật, giúp hiểu biết, nắm vững hơn về quy định của pháp luật, tránh được những việc làm vi phạm.

Ông Quách Vũ Xuân (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu), người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số ở địa phương, cho biết, hằng năm, ông đều được tham gia các lớp tập huấn về phổ biến giáo dục pháp luật để về địa phương tuyên truyền cho đồng bào dân tộc Khmer.

Theo ông Xuân, việc tuyên truyền kiến thức pháp luật giúp đồng bào dân tộc có thêm hiểu biết về chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đã giúp đồng bào Khmer thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Từ đó, đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, tránh được các hành vi vi phạm pháp luật.

* Tiếp tục nâng cao nhận thức về pháp luật

Theo ông Hồ Minh Hải, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, Sở luôn quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm, năm 2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp được 4.369 cuộc (tăng gần 1.900 cuộc so với năm 2023), với 200.092 lượt người dự; biên soạn và cấp phát miễn phí 116.751 tài liệu pháp luật. Các nhóm đối tượng được tuyên truyền là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn thể, học sinh, người dân tộc thiểu số... Nội dung tuyên truyền đã bám sát kế hoạch, những chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước ban hành, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Cũng theo ông Hồ Minh Hải, tỉnh xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả về công tác phổ biến giáo dục pháp luật như: “Tiếng loa biên phòng”, “Câu lạc bộ Nông dân với kiến thức pháp luật”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án", “Câu lạc bộ bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái”... Toàn tỉnh có 109/109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 783 tổ hòa giải với 4.444 hòa giải viên.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ thị, quyết định của cấp trên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các đề án về truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật... Đồng thời, tỉnh nhân rộng mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa bàn.

Sóc Trăng cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong phổ biến giáo dục pháp luật, phát huy vai trò phương tiện thông tin đại chúng về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ nâng cao nhận thức về quyền, lợi ích hợp pháp bản thân./.

Tuấn Phi


Tác giả: Trương Trung Tuấn Phi
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...