A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều con đường nhỏ hẹp, lầy lội đã được trải bê tông, mở rộng đến các xã vùng sâu

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống của bà con được nâng lên.

*Nhiều công trình ý nghĩa

Với trên 80% học sinh là người Mường, địa hình đồi núi, vượt lên những khó khăn ấy, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Yên Quang, xã Yên Quang, huyện Nho Quan luôn là điểm sáng trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi.

Từ năm 2021, nhà trường được đầu tư xây mới và cải tạo cơ sở vật chất một cách toàn diện, bao gồm nhà lớp học 2 tầng, nhà đa năng, nhà hiệu bộ, các hạng mục phụ trợ khác với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Tất cả các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2023 giúp khắc phục tình trạng thiếu phòng học trước đây. Bên cạnh đó, trường còn được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại như tivi, máy chiếu, máy tính, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tháng 12/2023, trường vinh dự đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Thầy Trần Đình Sáng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Quang đánh giá, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho giáo dục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ngôi trường mới khang trang được đưa vào sử dụng từ giữa năm học 2023 - 2024 với xã còn nhiều khó khăn như Yên Quang đã mang lại niềm vui, phấn khởi cho thầy và trò nơi đây.

Tuyến đường nối thôn Tân Thành qua Đầm Bòng, Đồi Mây, Đồi Ngọc, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan dài gần 7km được đưa vào sử dụng năm 2023 là mơ ước bao lâu nay của người dân địa phương. Khi được tuyên truyền, vận động, gia đình bà Đinh Thị Mơi tự nguyện hiến 360m2 đất ruộng để mở rộng đường.

Thạch Bình là xã có diện tích rộng nhất huyện Nho Quan với trên 100km đường giao thông các loại. Những năm qua, xã ưu tiên nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân tham gia hiến đất, ủng hộ ngày công để xây dựng nhiều tuyến đường.

Ông Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình chia sẻ, những con đường nhỏ hẹp, lầy lội ở các xã vùng sâu, vùng xa giờ đây đều được mở rộng, trải bê tông kiên cố giúp địa phương mở ra cơ hội giao thương với các vùng phụ cận, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư du lịch, nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, hệ thống giao thông của huyện Nho Quan tương đối hoàn chỉnh với 35km tuyến quốc lộ, liên xã kết nối tới trung tâm hành chính các xã, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Đặc biệt, nhiều tuyến đường liên thôn xóm, bản ở những xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng phân lũ, chậm lũ nay cũng được bê tông hóa.

*Nâng cao đời sống người dân

Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình có 7 xã được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với gần 29.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021-2025, huyện Nho Quan có 7 xã và 4 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các dự án.

Theo phân bổ nguồn ngân sách tỉnh, huyện Nho Quan được phê duyệt 28 công trình với nguồn vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình, cùng với lồng ghép các nguồn vốn đầu tư khác, đến nay, huyện đã và đang đầu tư xây dựng, cải tạo được 24 công trình, trong đó 18 công trình hoàn thành.

Bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án tạo đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc triển khai các chính sách dân tộc kết hợp nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện được cải thiện đáng kể. Đồng thời, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong địa bàn…

Hiện nay, tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện, 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; 7/7 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xã đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%. Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đạt 66 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,84%...

Ông Đinh Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vững chắc, liên vùng, kết nối với các địa phương, tạo động lực cho sự phát triển nhanh của huyện và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện hạng mục công trình theo kế hoạch được phê duyệt, đảm bảo chất lượng; tạo thuận lợi để sớm triển khai dự án phục vụ người dân.

Để đời sống của đồng bào dân tộc miền núi phát triển hơn nữa, huyện Nho Quan đang triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, nhân lên niềm tin của đồng bào, tạo động lực để người dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng thôn, bản ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn./.

Thùy Dung


Tác giả: Đinh Thị Thùy Dung
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...