Lao động trẻ muốn nghỉ hưu muộn hơn
Nhóm lao động trẻ dự định nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình là 64, muộn hơn 6 năm so với những người nghỉ hưu hiện tại
Tiết kiệm cho nghỉ hưu là mục tiêu tài chính hàng đầu ở tất cả các nhóm tuổi được khảo sát tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người chưa chuẩn bị tốt cho thực tế tài chính của mình, khi 67% người được khảo sát cho biết sẽ để việc lập kế hoạch chi phí nghỉ hưu cho đến 5 năm hoặc ít hơn trước khi nghỉ hưu.
Trong khi đó, hầu hết người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tiết kiệm ít nhất là 10% thu nhập để nghỉ hưu, cũng có đến 23% không thực hiện điều này. Khi được hỏi về các nguồn thu nhập có kế hoạch dành cho lúc về hưu, mức kỳ vọng trung bình sẽ dành khoảng 25% từ khoản tiết kiệm, điều này cho thấy cơ hội bị bỏ lỡ để tăng tối đa thu nhập hưu trí và đảm bảo theo kịp mức tăng của lạm phát.
Đối với những người nghỉ hưu hiện tại, 26% thừa nhận rằng họ đã không lập kế hoạch cho các chi phí nghỉ hưu của mình, dẫn đến 20% bị bất ngờ bởi các chi phí cao hơn dự kiến. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng khi lạm phát ảnh hưởng đến mức sống. Do vậy, nhiều người đã phải cắt giảm chi tiêu (73%) và trở lại làm việc khi đã về hưu (33%).
Tương lai có vẻ tươi sáng hơn khi thế hệ trẻ đang điều chỉnh kỳ vọng của họ. Họ dự đoán sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình là 64, muộn hơn 6 năm so với những người nghỉ hưu hiện tại. Sự thay đổi này phản ánh sự nhận thức ngày càng tăng về điều kiện kinh tế và hoàn cảnh cá nhân.
Những lý do chính cho việc trì hoãn nghỉ hưu bao gồm sự yêu thích công việc (46%), nhu cầu tiết kiệm nhiều hơn (61%) và mong muốn duy trì hoạt động thể chất và tinh thần (49%) khi còn được làm việc.
"Chúng ta đang đứng trước một cơ hội để tạo dựng một tương lai tươi sáng và lạc quan cho thế hệ trẻ. Sức khỏe, an ninh kinh tế và các mối quan hệ xã hội vững chắc đều bắt đầu từ những quyết định mà chúng ta đưa ra ngay hôm nay" - Ông Luc Nhon Ly, CEO của Sun Life Việt Nam chia sẻ.