A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cứ mỗi lần ngập phải di dời thì dân khổ quá

Sau khi thị sát ở vùng bị ngập lũ chiều 29.7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án di dời hơn 700 hộ dân ở Chương Mỹ đang bị nước lũ cô lập.

Cứ mỗi lần ngập phải di dời thì dân khổ quá

Hà Nội lên phương án di dời hơn 700 hộ dân ở Chương Mỹ đang bị nước lũ cô lập. Ảnh: Tô Thế

Di dời dân là đúng rồi, bí thư còn chỉ đạo lo đầy đủ lương thực, nước sạch cho người dân. Nhưng không thể cứ mỗi lần có mưa lớn ngập lụt là phải di dời, như vậy dân khổ quá, dân cần ổn định để làm ăn, sinh sống, con cái học hành. Ngập ở các vùng này, tuy không thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con. Cho nên, bài toán đặt ra là phải tìm mọi cách giải quyết tình trạng ngập lụt, lâu dài, bền vững.

Hà Nội có đến 30 điểm đen ngập lụt, chỉ cần trời mưa lớn là bà con lại chịu “sống chung với ngập”. Các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài yếu tố tự nhiên là vùng nền trũng, còn có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập lụt là từ phía con người.

Trước hết là quá trình đô thị hóa, bêtông hóa nhanh, đã biến mặt đất thành mặt ximăng, nước không còn chỗ thoát. Khi xây dựng những khu đô thị, khu dân cư, ai cũng chỉ lo xây cho xong dự án của mình, còn tổng thể về môi trường tự nhiên có người khác lo, và rõ ràng là không có ai lo. Các dự án, công trình, cao ốc mọc lên rất đẹp, nhưng không có một hệ thống thoát nước hiện đại, hậu quả là không chỉ ngập mà nước ngâm lâu không rút hết.

Thứ hai là để phòng, chống ngập úng cần 3-5% mặt đất làm ao hồ, thế nhưng rất nhiều ao hồ, kênh rạch bị xâm lấn, thậm chí có nơi bị lấp hoàn toàn. Làm một dự án khu đô thị, thay vì dành đất làm hồ nhân tạo, kênh đào, thì người ta lấp ao hồ để tăng thêm diện tích xây dựng, hậu quả quá rõ.

Thứ ba là rác, một nguyên nhân gây ngập mà mỗi người đều có thể là "tác nhân". Người ta đổ rác xuống cống thoát nước, người ta lấy kênh mương, ao hồ làm nơi chứa rác. Kênh thoát nước vốn đã thiếu, ao hồ không đủ chứa nước, lại phải chứa rác, nước không còn chỗ thoát, phải tràn vào nhà dân, gây ra ngập phố ngập phường.

Sửa lại các sai lầm trên thì sẽ hạn chế được ngập lụt, quan trọng nhất là phải đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước chất lượng, kết nối để thoát nước hiệu quả. Nạo vét ống cống, kênh mương, ao hồ, đào thêm ao hồ những nơi có quỹ đất, vừa tạo cảnh quan vừa để chứa nước.

Tuyên truyền vận động người dân không xả rác xuống cống rãnh, ao hồ, sông suối. Ai xả rác phải xử phạt theo luật.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết